Kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch sẽ kết thúc?

(PLO)- Thỏa thuận hạn chế nhiên liệu hóa thạch tại COP28 được xem là một bước tiến lớn trong quá trình đấu tranh chống biến đổi khí hậu toàn cầu, tạo nền tảng để các nước chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-12, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) đã bế mạc và thông qua thỏa thuận cuối cùng.

Cụ thể, thỏa thuận của Hội nghị COP28 kêu gọi các nước "chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 từ nay đến năm 2050, phù hợp với khoa học".

e6bf7b838452d757b8207f3b2e1328ffd5265351-8115.jpg
Chủ tịch Hội nghị COP28 - ông Sultan Al Jaber (giữa) và các đại biểu tại phiên bế mạc hội nghị. Ảnh: AFP

Theo đài CNA, thỏa thuận này có thể là yếu tố thay đổi tích cực cho tình hình khí hậu thế giới, đồng thời “về cơ bản báo hiệu sự kết thúc kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch”.

Thỏa thuận quan trọng

Nhiên liệu hóa thạch, bao gồm than, dầu và khí đốt, chiếm hơn 75% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và gần 90% tổng lượng phát thải carbon dioxide.

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 yêu cầu các nước hạn chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Tuy nhiên, nếu lượng khí thải tiếp tục tăng, các nhà khoa học tin rằng các nước có thể vi phạm thỏa thuận nói trên trong vòng 7 năm tới.

Việc vi phạm ngưỡng nhiệt độ nói trên có thể dẫn đến các kiểu thời tiết cực đoan như những đợt nắng nóng kéo dài hơn và bão dữ dội hơn.

Các nhà khoa học cho rằng nếu nhân loại muốn ngăn những hậu quả tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu, lượng phát thải cần phải giảm 45% từ nay đến năm 2030.

“Với tình hình hiện tại, chúng ta sẽ tăng lượng phát thải lên gần 10%. Vì vậy, chúng ta không đi đúng hướng. Chúng ta thực sự phải làm nhiều hơn nữa nếu muốn duy trì nhiệt độ dưới 1,5 độ C” - ông Tom Burke, đồng sáng lập và chủ tịch của tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu E3G, cảnh báo.

Theo ông Burke, điều này đòi hỏi các nước cần có những “bước nhảy vọt khổng lồ”, thay cho những bước đi nhỏ bé để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Do đó, thỏa thuận chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại hội nghị COP28 vừa qua được xem là một bước tiến mới trong quá trình cắt giảm nhiên liệu hóa thạch, từ đó giảm lượng khí thải trên toàn cầu. Thông qua thỏa thuận này, các nước có thể vạch ra lộ trình phù hợp để hạn chế nhiên liệu hóa thạch, tăng cường sử dụng các loại năng lượng thân thiện với môi trường.

1200x675-cmsv2-aedb9646-b9da-54ac-b056-83c74b35c4c1-8094168-4254.jpg
Khí thải do đốt nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính. Ảnh: EURONEWS

Một số hạn chế

Các chuyên gia cho biết mặc dù được nhiều nhà lãnh đạo ca ngợi là một bước tiến, nhưng thỏa thuận này lại thiếu các mốc thời gian cố định và có nhiều khoảng trống trong cách diễn giải.

“Việc chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống năng lượng (theo cách diễn đạt trong thỏa thuận) khác rất nhiều so với việc loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch” – theo GS Frank Jotzo, người đứng đầu bộ phận năng lượng tại Viện Khí hậu, Năng lượng và Giải pháp Thiên tai của ĐH Quốc gia Úc.

Bà Nneka Chike-Obi – người phụ trách bộ phận nghiên cứu và xếp hạng châu Á – Thái Bình Dương tại tổ chức nghiên cứu Sustainable Fitch – cho rằng thỏa thuận vừa qua có sự do dự rõ ràng khi đề cập việc “giảm dần” hoặc “loại bỏ dần” nhiên liệu hóa thạch.

“Vẫn còn một số nền kinh tế mới nổi, chủ yếu ở châu Phi cận Sahara, rất lo ngại rằng việc chuyển đổi nhanh chóng khỏi nhiên liệu hóa thạch sẽ gây tổn hại cho sự phát triển kinh tế của họ” – bà Chike-Obia nói.

Thỏa thuận cũng đề cập việc tăng tốc phát triển các công nghệ không phát thải và phát thải thấp, bao gồm việc thu hồi, tận dụng và lưu trữ carbon trước khi nó có thể được thải vào khí quyển. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng khái niệm về loại công nghệ này vẫn còn mơ hồ.

“Chúng ta biết rằng đây là những công nghệ chưa được chứng minh. Nếu chúng ta tiếp tục đầu tư vào những công nghệ này thì chúng ta thực sự đang cung cấp một tấm vé thông hành miễn phí cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Những công nghệ này có thể cho phép ngành công nghiệp kéo dài thời gian sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường” – theo ông Harjeet Singh, người đứng đầu bộ phận chiến lược chính trị toàn cầu tại Mạng lưới Hành động Khí hậu Quốc tế.

Vai trò của Đông Nam Á

Các nhà phân tích chỉ ra rằng Đông Nam Á – một trong những thị trường năng lượng phát triển nhanh nhất thế giới – có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Theo báo cáo của Trung tâm Năng lượng ASEAN vào năm 2022, cơ cấu năng lượng của khu vực vẫn nghiêng về nhiên liệu hóa thạch. Theo đó, trong năm 2020, nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 83% trong tỉ lệ sử dụng năng lượng ở khu vực, lớn hơn nhiều so với tỉ lệ 14% của năng lượng tái tạo.

Điều này đòi hỏi các quốc gia Đông Nam Á cần nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề sử dụng năng lượng hóa thạch.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu năng lượng ở Đông Nam Á đã tăng trung bình 3% mỗi năm trong hai thập niên qua. Theo các chính sách hiện tại, xu hướng này sẽ tiếp tục tăng đến năm 2030.

Ông Zulfikar Yurnaidi – Giám đốc mô hình hóa năng lượng và hoạch định chính sách tại Trung tâm Năng lượng ASEAN – cho rằng “sự phụ thuộc rất lớn vào nhiên liệu hóa thạch làm tăng tính dễ bị tổn thương của khu vực Đông Nam Á trước những cú sốc về giá năng lượng và hạn chế về nguồn cung".

Tuy nhiên, theo đài CNBC, nhìn chung, chính sách của các nước trong khu vực Đông Nam Á cho thấy các nước đang nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Thỏa thuận hạn chế nhiên liệu hóa thạch tại COP28 có ý nghĩa ra sao?
Các dãy tấm pin mặt trời gần khách sạn Marina Bay Sands và Gardens by the Bay (Singapore). Ảnh: REUTERS

Vào tháng 7, Malaysia đã đưa ra Lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia, nhằm tăng cường công suất năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên.

Bộ Kinh tế Malaysia cho biết lộ trình trên đã xác định 10 dự án hàng đầu để góp phần giúp nước này chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Trong số này bao gồm kế hoạch xây dựng nhà máy điện mặt trời có công suất lớn nhất Đông Nam Á.

Các kế hoạch phát triển khác bao gồm một khu năng lượng tái tạo tích hợp, 5 công viên năng lượng mặt trời tập trung quy mô lớn và 3 nhà máy sản xuất hydro xanh. Bộ Kinh tế Malaysia cho biết các dự án này sẽ tận dụng tiềm năng của Malaysia để tạo ra một hệ thống năng lượng ít carbon, linh hoạt hơn.

Kế hoạch xanh 2023 của Singapore cũng nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo. Bộ Bền vững và Môi trường Singapore cho biết nước này mục tiêu tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời từ nay đến năm 2030, đáp ứng khoảng 3% nhu cầu điện dự kiến của quốc đảo này.

Trong khi đó, Indonesia cũng đã nới lỏng một số hạn chế về đầu tư nước ngoài để tạo động lực đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm