Chưa chốt được thỏa thuận, COP28 phải kéo dài hơn dự kiến

(PLO)- Hội nghị COP28 kéo dài hơn dự kiến do các bên tham gia không thống nhất được nội dung của của bản dự thảo thỏa thuận cuối cùng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) bước vào giai đoạn làm việc cuối cùng. Tuy nhiên, hội nghị này kéo dài hơn so với dự kiến.

Nguyên nhân là do các bên tham gia hội nghị COP28 không thống nhất được nội dung của bản dự thảo thỏa thuận cuối cùng, theo hãng tin Reuters.

Trước đó, ngày 11-12, chủ tịch hội nghị COP28 đã trình dự thảo thỏa thuận cuối cùng đến các bên tham dự. Tuy nhiên, dự thảo không đề cập việc loại bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Hội nghị COP28 kéo dài hơn dự kiến
Một nhà hoạt động khí hậu cầm biểu ngữ yêu cầu ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong phiên họp thượng đỉnh của Hội nghị COP28 hôm 11-12. Ảnh: REUTERS

Thay vào đó, dự thảo đưa ra danh sách hành động mà các quốc gia “có thể” thực hiện để giảm lượng khí thải làm nóng hành tinh. Một trong số này là giảm tiêu thụ và khai thác dầu, than và khí đốt.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị COP28 không đồng ý với việc dự thảo thỏa thuận cuối cùng không đề cập việc loại bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Ông Cedric Schuster – Chủ tịch Liên minh Các quốc đảo nhỏ – cho biết: “Chúng tôi sẽ không ký giấy chứng tử cho chính mình. Chúng tôi không thể ký vào văn bản không có cam kết mạnh mẽ về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch”.

Ông Eamon Ryan – Bộ trưởng Môi trường Ireland – cho biết: “Từ ‘có thể’ trong dự thảo giết chết mọi thứ”. Ông Ryan cũng cảnh báo rằng Liên minh châu Âu có thể rời khỏi Hội nghị COP28 nếu dự thảo không được thay đổi.

Ông Seve Paeniu – Bộ trưởng Tài chính Tuvalu – cho biết: “Điều này không tốt chút nào. Dự thảo không đề cập gì đến việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Và nó mang lại cho các quốc gia những lựa chọn thay vì nghĩa vụ. Điều đó thật đáng lo ngại”. Ông Paeniu cho biết Tuvalu sẽ tiếp tục thúc đẩy hội nghị thông qua dự thảo thỏa thuận cuối cùng với những từ ngữ cam kết mạnh mẽ hơn.

Theo Reuters, các thỏa thuận hội nghị COP được thông qua bằng phương thức đồng thuận. Sau đó, việc thực hiện thỏa thuận này tùy thuộc từng quốc gia, thông qua các chính sách và các khoản đầu tư của riêng mỗi nước.

Dự thảo thỏa thuận cuối cùng mới dự kiến được đưa ra vào sáng 13-12 (giờ địa phương).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm