COP28: Tranh cãi gay gắt chuyện bỏ nhiên liệu hóa thạch, nguy cơ khó có thoả thuận

(PLO)- Tại COP28, các nước tranh cãi gay gắt về vấn đề loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nguy cơ khó đạt được thỏa thuận chung.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong cuộc họp ngày 9-12 kỳ Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28), diễn ra tại TP Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), các nước đã tranh cãi gay gắt về quan điểm “loại bỏ nhiên liệu hóa thạch”, khiến khả năng đạt được thỏa thuận chung trước khi hội nghị kết thúc trở nên khó khăn, theo hãng tin Reuters.

Cụ thể, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước dễ bị ảnh hưởng vì các hiện tượng thời tiết cực đoan cho rằng COP28 cần đưa ra những cam kết rõ ràng, dứt khoát về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Nhiên liệu hóa thạch.png
Hình ảnh cuộc họp ngày 9-12 của COP28 tại TP Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất). Ảnh: GETTY IMAGES

Trong khi đó, các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), trong đó có Nga và Saudi Arabia cho rằng trọng tâm của COP28 nên là “giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu”, đồng thời cho rằng COP28 đang quá áp lực về vấn đề nhiên liệu hóa thạch.

Tổng thư ký OPEC - ông Haitham Al Ghais nhấn mạnh rằng COP28 cần những biện pháp thực tế giúp giải quyết vấn đề phát thải mà không ảnh hưởng khả năng phát triển kinh tế, nên tập trung vấn đề xóa đói giảm nghèo cho các nước kém phát triển, cũng như tăng cường khả năng phục hồi môi trường tự nhiên.

Ủy viên khí hậu EU - ông Wopke Hoekstra chỉ trích quan điểm của nhóm OPEC+, cho rằng các nước này đang đi ngược lại nỗ lực chống biến đổi khí hậu của COP28.

“Trong bối cảnh khí hậu thế giới có nhiều diễn biến tiêu cực, quan điểm muốn giảm phát thải nhà kính mà làm ngơ việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch gần như là một quan điểm mâu thuẫn, lạc lõng và không phù hợp” - ông Hoekstra nói.

Theo Reuters, hai nước lớn là Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ chưa đưa ra quan điểm về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nhưng nhiệt tình ủng hộ lời kêu gọi thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.

Trả lời phỏng vấn sau phiên họp ngày 9-12, Đặc phái viên về khí hậu của TQ - ông Tạ Chấn Hòa mô tả COP28 là hội nghị khí hậu khó khăn nhất mà ông từng tham gia.

“Tôi đã tham gia nhiều cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ trong 16 năm, và COP28 là khó khăn nhất vì năm nay có quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Hội nghị sẽ không thành công nếu các quốc gia không thống nhất được quan điểm về tương lai của nhiên liệu hóa thạch” - ông Tạ Chấn Hòa nói.

Phát biểu thay mặt Liên minh các quốc đảo nhỏ khu vực Nam Thái Bình Dương, Bộ trưởng Môi trường Quốc đảo Samoa - ông Cedric Schuster, cho rằng các cuộc đàm phán tại COP28 đang rơi vào “sa lầy” vì những tranh cãi về nhiên liệu hóa thạch.

“Tôi cực kỳ lo ngại về tốc độ đàm phán, vì chúng ta không còn nhiều thời gian ở Dubai. Theo tôi, nếu muốn giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu thì không có cam kết nào mạnh mẽ bằng việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, thay bằng năng lượng tái tạo” - ông Schuster nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm