Những cam kết có giá trị tại Hội nghị COP28

(PLO)- Các cam kết có ý nghĩa bảo vệ môi trường, thúc đẩy năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng đã được đưa ra tại Hội nghị COP28 vừa qua.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những năm gần đây, mỗi khi Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP) kết thúc, nó thường để lại một cảm giác nhẹ nhõm, mãn nguyện và có chút bối rối. Hội nghị COP28 năm nay tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) cũng không ngoại lệ.

Hội nghị COP28 kéo dài nhiều hơn gần 24 giờ so với kế hoạch ban đầu. Các bài báo sau hội nghị tập trung chủ yếu vào 34 từ xuất hiện trong thỏa thuận cuối cùng nhằm kêu gọi các quốc gia tránh sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng, theo tờ Financial Times.

Những cam kết có giá trị tại Hội nghị COP28
Các đại biểu tham dự Hội nghị COP28. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, 34 từ đột phá này vẫn chưa thể xoay chuyển thị trường và chưa thể khiến thói quen sử dụng nhiên liệu thay đổi ngay tức khắc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là một bước đột phá trong gần 30 năm COP diễn ra.

Tuy nhiên, COP cũng đang thay đổi. Đằng sau các cuộc đàm phán ngoại giao căng thẳng, các quốc gia và công ty đã bắt đầu đạt được những thỏa thuận riêng, cụ thể hơn, nhỏ lẻ hơn, có tác động tức thời, nhằm có thể giải quyết vấn đề năng lượng và khí thải.

Dưới đây là 3 cam kết có giá trị tại Hội nghị COP28 năm nay, theo Financial Times.

Hiến chương làm sạch carbon của các công ty dầu khí lớn

Dù các công ty dầu khí vẫn chưa cam kết sản xuất ít nhiên liệu hóa thạch hơn, nhưng cam kết cắt giảm khí thải từ hoạt động khai thác của họ là điều đáng chú ý.

Saudi Aramco, ExxonMobil và BP nằm trong số 50 nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch hàng đầu thế giới ký “Hiến chương khử cacbon trong dầu và khí đốt”. Đây là thỏa thuận tự nguyện nhằm ngăn chặn việc đốt khí dư thừa thường xuyên từ nay đến năm 2030 và loại bỏ gần như toàn bộ khả năng rò rỉ khí methane ra môi trường.

Khí methane là loại khí không mùi được hầu hết mọi dự án dầu khí trên toàn thế giới tạo ra. Các công ty thường thải khí methane vào khí quyển thông qua hệ thống thông gió hoặc đốt chúng, biến khí này thành carbon dioxide.

AP6LLYOHCBLMDF7RYRYLWBBIAQ.jpg
Hoạt động khai thác dầu khí tạo ra nhiều khí methane. Ảnh: REUTERS

Khí methane cũng rò rỉ vào khí quyển thông qua những rò rỉ nhỏ, không được phát hiện trong các đường ống dẫn khí hoặc thiết bị khác. Đôi khi, khí methane còn rò rỉ với số lượng lớn.

Các nhà khoa học cho biết khí methane là nguyên nhân gây ra tới 30% hiện tượng nóng lên toàn cầu kể từ khi kỷ nguyên công nghiệp bắt đầu. Do đó, hiến chương vừa được các công ty dầu khí ký kết được xem là một chiến thắng cho khí hậu. Theo đó, 50 bên ký kết chiếm gần một phần ba tổng lượng khí thải trong hoạt động của ngành dầu khí.

Nhân rộng năng lượng tái tạo

Tại Hội nghị COP28 lần này, hơn 120 quốc gia ký cam kết tăng gấp ba lần công suất sản xuất năng lượng tái tạo, nhằm giúp thế giới chạm mức ít nhất 11.000 gigawatt năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2030.

Theo Financial Times, để đạt được mức tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo gần đây nhất, phải mất 12 năm (từ năm 2010 đến năm 2022). Theo các nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu BloombergNEF, việc đạt được mục tiêu tại COP28 sẽ “khó khăn nhưng có thể làm được”.

Tin tốt là năng lượng mặt trời và gió hiện là nguồn sản xuất năng lượng tái tạo rẻ nhất ở hầu hết quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển của năng lượng tái tạo cũng đang gặp trở ngại.

Một trong những rào cản lớn nhất là thiếu nguồn đầu tư vào hệ thống lưới điện cho năng lượng tái tạo. Theo các nhà nghiên cứu của BloombergNEF, chỉ khoảng 50% nguồn đầu tư vào năng lượng tái tạo là dành cho việc phát triển lưới điện.

Theo Financial Times, nhiều dự án năng lượng tái tạo ở châu Âu và Mỹ vẫn chưa thể hòa vào lưới điện để có thể đi đến những nơi cần sử dụng. Nhiều dự án lớn ở Mỹ vẫn đang chờ được nối vào lưới điện.

thoa-thuan-tai-Hoi-nghi-COP28.jpg
Cánh đồng điện gió ở bang California (Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES

Trong khi đó, Trung Quốc (TQ) – cường quốc về điện gió và điện mặt trời – đã đầu tư hàng tỉ USD vào đường dây điện siêu cao áp. Do đó, các chuyên gia tin rằng TQ có thể đạt được mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất sản xuất năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2030.

Chính phủ Mỹ và các nước khác đang cố gắng đẩy nhanh quá trình hòa lưới điện của các hệ thống sản xuất năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, theo dự báo của BloombergNEF, với tình hình hiện nay, Mỹ, châu Âu, Nhật, Ấn Độ và Indonesia khó có thể đạt được mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất sản xuất năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2030.

Sử dụng năng lượng hiệu quả hơn

Tại Hội nghị COP28, nhiều quốc gia đã đồng ý tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trung bình hàng năm trên toàn cầu, từ khoảng 2% lên hơn 4% mỗi năm cho đến năm 2030.

Sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn được nhiều người coi là “nhiên liệu đầu tiên” trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Đây cũng được xem là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để cắt giảm khí thải, giảm hóa đơn năng lượng và tăng cường an ninh năng lượng.

Nhiều nước đã thiết lập các quy định công nghệ và chính sách cần thiết. Theo đó, họ đưa ra quy định về việc sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng, đề ra các quy tắc xây dựng thân thiện với môi trường và giao thông ít phát thải carbon.

Ông James Newcomb – chuyên gia cấp cao của nhóm nghiên cứu Viện Rocky Mountain, được thành lập để cải thiện hoạt động năng lượng của Mỹ – cho biết: “Đó là điều hết sức tham vọng nhưng có thể đạt được”.

AEXKEBWYS5L4FFBTA2X2IW7SXU.jpg
Một khu vực ở Berlin (Đức) giảm đèn chiếu sáng để tiết kiệm năng lượng vào tháng 5-2022. Ảnh: REUTERS

Giá năng lượng tăng vọt do cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến mức đầu tư toàn cầu vào việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng tăng kỷ lục. Tuy nhiên, để đáp ứng cam kết tại Hội nghị COP28, đòi hỏi các nước phải hoạch định chính sách tích cực hơn.

Nhận thức được nguy cơ ô nhiễm môi trường do các hệ thống điều hòa gây ra, 63 quốc gia cũng đã ký cam kết làm mát toàn cầu tại Hội nghị COP28. Cam kết này nhằm mục đích cắt giảm lượng khí thải liên quan đến điều hòa ít nhất 68% trên toàn cầu, theo lộ trình từ nay đến năm 2050.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm