Hội nghị COP28 bế mạc, thông qua thỏa thuận 'lịch sử' về nhiên liệu hoá thạch

(PLO)- Hội nghị COP28 bế mạc và thông qua thỏa thuận mở đường cho việc giảm mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-12, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) đã bế mạc và thông qua thỏa thuận cuối cùng. Theo hãng tin Reuters, thỏa thuận này mở đường cho việc giảm mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu.

Cụ thể, thỏa thuận của Hội nghị COP28 kêu gọi các nước "chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 từ nay đến năm 2050, phù hợp với khoa học".

Thỏa thuận cũng kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu từ nay đến năm 2030, tăng tốc nỗ lực giảm sử dụng than đá.

Hội nghị COP28 bế mạc, thông qua thỏa thuận 'lịch sử'
Chủ tịch Hội nghị COP28 - ông Sultan Ahmed Al Jaber (giữa) và các đại biểu tại phiên bế mạc hội nghị hôm 13-12. Ảnh: AFP

Trong bài phát biểu tại phiên họp thông qua thỏa thuận, Chủ tịch Hội nghị COP28 – ông Sultan Ahmed Al Jaber gọi đây là thỏa thuận “lịch sử”.

“Lần đầu tiên chúng ta có từ ngữ đề cập về nhiên liệu hóa thạch trong thỏa thuận cuối cùng của mình. Chúng ta đã mang đến một sự thay đổi có tiềm năng định hình lại nền kinh tế của chúng ta” – ông Jaber nói.

Ông Jaber cũng nhấn mạnh rằng thành công thực sự của thỏa thuận này nằm ở việc thực hiện nó.

“Nói phải đi đôi với làm. Chúng ta phải thực hiện các bước cần thiết để biến thỏa thuận này thành hành động hữu hình” – ông Jaber phát biểu.

Một số quốc gia đã hoan nghênh thỏa thuận này, cho rằng đây là kết quả khả quan và đáng ghi nhận sau nhiều thập niên đàm phán khí hậu.

“Đây là lần đầu tiên thế giới đoàn kết xung quanh một văn bản về sự cần thiết phải chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Đây là vấn đề chúng ta phải đối mặt” - theo Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy – ông Espen Barth Eide.

“Tất cả chúng ta đều có thể tìm thấy một đoạn hoặc vài câu, vài phần mà lẽ ra chúng ta có thể viết khác đi. Tuy nhiên, để có được một tài liệu mạnh mẽ như thế này, tôi thấy có lý do để lạc quan, có lý do để biết ơn và có lý do để gửi lời chúc mừng đến mọi người ở đây” - Đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ - ông John Kerry lạc quan về thoả thuận.

Theo Reuters, việc thực hiện thỏa thuận COP28 tùy thuộc vào từng quốc gia, thông qua các chính sách và các khoản đầu tư của riêng từng nước.

Dầu, khí đốt và than đá vẫn chiếm khoảng 80% năng lượng của thế giới. Việc đốt than, dầu và khí đốt là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Những loại nhiên liệu này cũng chiếm hơn 3/4 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm