Ký ức miền khoai lang

Hồi đó, làng tôi trồng khoai lang xen giữa các vụ lúa và lấy dây để nuôi heo. Với gia đình nghèo, củ khoai có thể ăn dặm để chống đói. Mùa khoai lang, bàn tay tôi đen sạm đi vì mủ, rửa thế nào cũng không hết. Tôi nhớ những chiều chạy nhông theo ba má trồng khoai. Má cắt những đoạn dây khoai tốt, xanh mướt chừng 50-60 cm rồi phụ ba vun thành những hàng thẳng tắp, còn tôi chóc lóc đậy lá chuối lên trên để những ngày nắng sau không làm héo dây khoai. Ba bảo lúc chiều trời mát thì trồng khoai sẽ tốt, vì sương đêm rơi xuống đất ẩm sẽ giúp dây khoai dễ bén rễ.

Sau buổi học, tôi thường theo phụ má cắt dây khoai. Những chạc khoai sần sùi, xấu xí mà đầy nhựa sống. Khi nhánh con bị cắt, từ chỗ cắt sẽ sinh ra những nhánh khác. Ba cuốc đất, bới lên những củ khoai tròn tròn, trắng mẩn, có củ màu hơi tim tím to bằng bắp chân. Tôi phụ ba gom khoai thành đống, bỏ vào trạc để ba gánh về rồi rửa sạch để cho bò ăn. Mấy chạc khoai dai nhách bỗng chốc nát vụn trong cái mõm bò.

Ký ức miền khoai lang ảnh 1

Thu hoạch khoai lang. Ảnh: TTCT

Củ khoai được chế biến thành đủ thứ món, nào khoai chà, khoai khô rồi khoai dẻo… Ngày nhỏ, tôi thường ngồi tề sạch hai đầu củ khoai, cắt bỏ những chỗ sâu. Tôi sợ nhất những con sùng trong khoai vì nó bò trùn trùn như con sâu róm. Con sùng đào đường trong ruột củ khoai to để trú ẩn, ăn bột khoai để sống. Mỗi lần lỡ tay trúng con sùng thân mềm, tôi chỉ còn nước quăng dao nhiếp bỏ chạy.

Chiều gần tối, cả nhà cùng rửa khoai. Ba bỏ cả thúng khoai vô ảng, đổ nước vào rồi chà sạch khoai. Được dịp nghịch nước, tôi thường xin ba cho nhảy vô ảng để lấy chân đạp cho sạch. Đó là cái cớ thôi, chứ bàn chân nhỏ xíu của tôi thì làm gì đạp nổi. Chân tôi cứ lún dần vào những củ khoai tròn trung trúc, mỏi đớ. Những lúc không ai nhìn, tôi đẫm nước cho đã đời rồi nhảy ra, người ướt sũng và thể nào cũng bị má tẩn cho một trận.

Tôi lon ton cắt những tàu chuối khô ở thấp để má nhóm bếp nấu khoai buổi tối. Phía sân trước, ba đặt gạch làm bếp cho má nấu khoai. Bọn trẻ con rất vui khi lửa nấu khoai cháy to. Chúng tôi thỏa chí tụm năm tụm bảy chơi rồng rắn lên mây, trốn tìm… mà không sợ ông kẹ lợi dụng lúc tối trời để bắt con nít. Những cuộc chạy trốn đuổi bắt theo tôi vào cả trong giấc mơ.

Sáng ra ăn vội củ khoai với muối đậu, tôi chạy đi chơi đâu mất đến lúc má kêu về quay khoai. Má bỏ khoai đã nấu vào cối, dùng chày giã nát rồi bỏ vào rổ sổ. Đó là loại rổ có lỗ nhỏ chỉ lọt vừa ngón tay út. Má dùng tay chà bột khoai để những hạt nhỏ lọt xuống, còn hạt to trên rổ thì giã tiếp. Giã xong, má phơi hạt khoai trên nong to. Tôi có nhiệm vụ đuổi gà để chúng không nhảy lên làm dơ nong khoai. Thỉnh thoảng, tôi dùng tay quay những hạt khoai cho rời ra. Khoai chà trộn đường, đậu phụng rang thơm thơm, ngọt ngọt, nhai vào miệng nghe giòn rợm.

Ngày mưa, nhà nông rảnh rang thì đem khoai dẻo ra ngồi nhấm nháp và nói chuyện cây lúa, con heo… Khoai vàng anh có ruột vàng, không bở tơi mà hơi ướt, nấu xong dùng dao chẻ dọc củ khoai thành những lát vừa rồi sắp lên nong phơi khô thì thành khoai dẻo. Hồi đó nhà tôi còn nghèo, nồi cơm ba phần thì có đến hai phần là khoai. Trong khí trời lành lạnh, những củ khoai bở tơi, màu vàng mỡ gà nghi ngút khói trông thật ngon miệng nhưng mấy chú tôi đều chê vì ăn hoài cũng ngán.

Làng tôi đã chuyển sang trồng các loại cây cao sản cho năng suất cao. Giờ không còn những mùa khoai làm tay má đen sạm. Không còn mấy ai làm khoai chà như má tôi ngày trước. Trẻ con bây giờ cũng không còn đi moi khoai lang nướng thơm lừng như chúng tôi ngày xưa.

Năm tháng đã phủ lớp bụi lên miền ký ức tôi, có cả niềm vui, nỗi buồn, yêu thương, mất mát để tôi biết trân trọng những gì mình có. Bất chợt, tôi nghe văng vẳng đâu đó câu hát ông nội thường nhắc hồi nhỏ:

Khoai lang nhấm với muối đậu thì ngon
Tại cha mi nhát nên con nhịn thèm.


QUÝ HƯƠNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 159)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm