Kỳ vọng 3 tuyến đường thủy kết nối TP.HCM với các địa phương

(PLO)- Ba tuyến giao thông thủy kết nối TP.HCM đi các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu đang được các địa phương liên quan lên kế hoạch khảo sát nhằm sớm mở tuyến và khai thác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết sở đã có văn bản gửi các địa phương gồm Tiền Giang, Bến Tre và Bà Rịa-Vũng Tàu về việc sớm mở ba tuyến vận tải đường thủy tới các địa phương này. Theo đó, trong tháng 6, Sở GTVT TP và các địa phương sẽ khảo sát ba luồng tuyến để thống nhất việc mở tuyến.

Vai trò của ba tuyến giao thông thủy

Theo ông An, việc mở các tuyến đường thủy kết nối TP.HCM đi các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu là cần thiết. Các tuyến này không chỉ phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa, mà còn có vai trò kết nối vùng, tạo điều kiện phát triển du lịch của các địa phương.

TP.HCM sẽ sớm triển khai ba tuyến đường thủy kết nối với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: ĐT

TP.HCM sẽ sớm triển khai ba tuyến đường thủy kết nối với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: ĐT

Ông An cho biết hiện nay các địa phương đã cơ bản thống nhất việc triển khai các tuyến đường thủy này. Trong tháng 6, Sở GTVT và các địa phương sẽ tiến hành khảo sát luồng của cả ba tuyến.

“Tôi rất kỳ vọng các tuyến đường thủy sẽ góp phần phát triển du lịch, hàng hóa, đặc biệt giúp kết nối vùng, giảm tải phần nào cho giao thông đường bộ” - ông An cho biết.

Theo ông An, tuyến đi Bến Tre và Tiền Giang hiện chưa có nhà đầu tư. Song sắp tới, sở sẽ mời các doanh nghiệp cùng khảo sát để kêu gọi đầu tư.

Còn đối với tuyến TP.HCM - Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), hiện huyện Côn Đảo và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chưa thống nhất thời gian hoạt động. Dự kiến cuối năm nay, sau khi cầu cảng được hoàn tất, tuyến sẽ được hoạt động. Sắp tới, UBND TP.HCM cũng sẽ có buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để thống nhất việc mở tuyến này.

Người dân có thêm sự lựa chọn

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết tỉnh Tiền Giang rất kỳ vọng và mong muốn sớm kết nối tuyến đường thủy TP.HCM - Tiền Giang. Tuyến đường thủy này sẽ kết nối, tạo điều kiện phát triển du lịch cho tỉnh. Sở GTVT tỉnh Tiền Giang sẽ phối hợp, tạo điều kiện để tuyến sớm được hoạt động.

Ông Bon cũng cho biết tỉnh Tiền Giang đã có cảng du thuyền mới hoàn thành, vô cùng hiện đại để sẵn sàng kết nối với TP.HCM. Theo đó, bến cảng có thể tiếp nhận cả tàu khách du lịch và quốc tế.

Các tuyến giao thông thủy kết nối TP.HCM tới các địa phương không chỉ phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa, mà còn tạo điều kiện phát triển du lịch các địa phương.

“Sở GTVT tỉnh Tiền Giang sẽ phối hợp với Sở GTVT TP.HCM để kêu gọi doanh nghiệp mở tuyến phà biển đi từ Vàm Láng - Cần Giờ - Vũng Tàu. Hiện đã có tuyến Cần Giờ - Vũng Tàu rồi, do đó Sở GTVT tỉnh Tiền Giang mong muốn kết nối từ Vàm Láng tới Vũng Tàu để bà con đi lại thuận tiện hơn” - ông Bon chia sẻ.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật, đơn vị khai thác tuyến buýt đường sông số 1 TP.HCM, cho rằng việc mở ra nhiều tuyến đường thủy kết nối TP.HCM với các địa phương sẽ mở thêm một “kênh” cho người dân có sự lựa chọn. Các phương tiện, các hình thức đường thủy này sẽ bổ trợ cho nhau để phát triển kinh tế - xã hội.

“Khi đó, người dân đi đường sông, ngoài việc thụ hưởng từ điểm A đến B, hành khách còn được thụ hưởng du lịch văn hóa đường sông. Các tuyến này sẽ thu hút người dân bởi họ sẽ vừa là hành khách, vừa là du khách.

Ông Toản cho biết tiềm năng đường thủy thì đã có, song chúng ta đã bỏ lỡ nhiều năm nay nhưng dù muộn vẫn phải nỗ lực làm. Theo đó, ông Toản kỳ vọng các địa phương cần nhanh chóng triển khai. Tuy nhiên, ông Toản cho rằng cần tính toán đến luồng tuyến, tránh xung đột với các tuyến khác, bởi tàu cao tốc thường chạy với tốc độ cao.

Đối với các kè bờ sông cũng cần chỉnh trang để tạo diện mạo đô thị cũng như tránh sạt lở… Do đó, ngay từ bây giờ cần thu xếp, tiến hành chỉnh trang bờ sông.

“Đối với hạ tầng cảng bến ở TP.HCM và các địa phương cũng cần chỉn chu, kết nối an toàn trong bất cứ điều kiện thời tiết nào. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng cảng bến dọc đường để đón khách. Đồng thời tính toán phương án sửa chữa, thay tàu nếu gặp sự cố” - ông Toản nhận định.•

Tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo được Công ty TNHH Công nghệ xanh DP và Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc khai thác. Lộ trình dự kiến bắt đầu từ quận 1 (TP.HCM) đến Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu). Dự kiến thời gian di chuyển 5-6 giờ/chuyến.

Ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh DP, cho biết đơn vị đã sẵn sàng, chuẩn bị nguồn lực, tàu để hoạt động tuyến TP.HCM - Côn Đảo.

Đối với tuyến TP.HCM - Tiền Giang, TP.HCM - Bến Tre, dự kiến sẽ vận chuyển khách du lịch với cự ly hành trình khoảng 110 km tới tỉnh Tiền Giang; tới Bến Tre khoảng 120 km.

Cả hai tuyến dự kiến đều có điểm đầu từ bến Bạch Đằng (quận 1) hoặc cảng Sài Gòn, Nhà Rồng (quận 4), tuyến đi theo sông Sài Gòn - Nhà Bè - Soài Rạp - Vàm Cỏ (hoặc theo kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc) - kênh Chợ Gạo - sông Tiền rồi đến cảng, bến thuộc Tiền Giang, sau đó tới Bến Tre.

Phương tiện di chuyển trên tuyến dự kiến là tàu có sức chở 75-151 khách. Tàu chạy thẳng từ TP.HCM đến Tiền Giang, Bến Tre và ngược lại. Tàu không dừng đón, trả khách trên hành trình và giá vé sẽ do đơn vị khai thác làm việc, thống nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm