Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP, tới đây TP.HCM sẽ mở các tuyến vận chuyển hành khách đường sông bằng các loại hình tàu cao tốc, tàu khách du lịch, buýt đường sông nội thủy và buýt đường sông liên tỉnh; mở rộng hơn là nối kết với các tỉnh miền Tây và xa hơn là qua Campuchia… Các tuyến này không chỉ nhằm phát triển du lịch đường sông mà còn tăng lượng khách đi lại hằng ngày qua đường thủy, giảm bớt áp lực ùn tắc giao thông trên đường bộ.
Mở lại tuyến Bạch Đằng - Cần Giờ - Vũng Tàu
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy Sở GTVT TP, cho biết sau khi mở tuyến buýt sông số 1 (bến Bạch Đằng-Linh Đông, ngày 25-11 vừa qua - PV), cuối tháng 12 này TP có thể cho mở tuyến cao tốc Bạch Đằng đi Cần Giờ và có thể nối tuyến đi tiếp sang Vũng Tàu. “Việc mở lại tuyến tàu khách từ bến Bạch Đằng đi Vũng Tàu (trước đây chạy bằng tàu cánh ngầm, ngưng hoạt động từ ngày 1-1-2017 vì mất an toàn) sẽ chạy bằng loại tàu cao tốc hai thân. Tàu kết hợp chở khách du lịch với khách đi theo chặng (một dạng buýt sông) với các điểm dừng như Mũi Đèn Đỏ, bến phà Bình Khánh, Rừng Sác-Tam Thôn Hiệp, Thạnh An và sau đó là nối sang Vũng Tàu” - ông Bằng cho biết.
Theo một nguồn tin, lẽ ra tuyến tàu khách này đã sống lại từ lâu nhưng trước chủ trương phát triển vận chuyển khách du lịch kết hợp với chở khách đi buýt sông nên Sở GTVT đặt ra “đầu bài” với nhà đầu tư là phải xây dựng các bến dừng và dừng tàu ở các điểm như nêu trên cho khách đi theo chặng ngắn lên xuống. Cạnh đó, theo một cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam, an toàn với tốc độ chạy tàu (tới 26 hải lý/giờ, cao hơn tốc độ loại tàu chiến thông thường) là những vấn đề phải xem xét, kiểm định kỹ để không ảnh hưởng đến khách đi tàu.
Tàu hai thân Greenlines DP với nhiều tiện nghi như máy lạnh, WiFi, quầy bar… phù hợp cho các tuyến đường dài. Ảnh: LƯU ĐỨC
Nhanh hơn đường bộ
Vừa qua, Sở GTVT TP đã tổ chức những đợt khảo sát tuyến sông, kiểm tra kỹ thuật các bến, độ an toàn và tiện nghi trên tàu trước khi đưa vào khai thác tuyến Bạch Đằng - Cần Giờ - Vũng Tàu.
Theo đó, tàu được sử dụng là tàu hai thân của Công ty Greenlines DP. Tàu được trang bị các tiện nghi như máy lạnh, tivi cỡ lớn, camera, WiFi, hệ thống báo cháy, áo phao... Đặc biệt, có tám camera trên tàu kết nối với hệ thống quản lý điều hành, có thể báo trước cho thuyền trưởng về thời tiết, mực nước lên xuống trên sông, trên biển, ở các khu bến mà tàu chuẩn bị vào. Bên trong tàu, 96 chỗ ngồi được thiết kế khá thoải mái, có một quầy bar mini và một phòng VIP cho khoảng 10 người.
Bước đầu Công ty Greenlines DP đưa ra lộ trình: Tàu xuất phát tại bến Bạch Đằng, quận 1 đến bến Thạnh An, huyện Cần Giờ. Sau đó tàu tiếp tục đến Hồ Mây, TP Vũng Tàu. Tàu sẽ chạy với tần suất bốn chuyến/ngày từ TP.HCM đến Cần Giờ và từ Cần Giờ đến Vũng Tàu tám chuyến/ngày. Thời gian hành trình từ Bạch Đằng đi Cần Giờ khoảng một giờ 15 phút (so với 2,5 giờ đi đường bộ như hiện nay). Giá vé được tạm tính là 200.000 đồng/người đối với khách vãng lai, du lịch. Hành khách là người dân địa phương Cần Giờ, cán bộ, công chức thường xuyên đi lại giữa Cần Giờ và TP.HCM sẽ được giảm 50% giá vé.
TP.HCM có mạng lưới giao thông nội thủy và liên kết các tỉnh khá thuận lợi cho việc phát triển đường thủy trong khu vực. Theo Sở GTVT TP, tổng chiều dài các sông và kênh rạch của TP có khả năng khai thác vận tải đường thủy là trên 1.000 km. Trong đó có 975 km đã được đưa vào quy hoạch và tổ chức quản lý. Ngoài ra, có hai dòng sông chính là Sài Gòn, Đồng Nai chảy qua cùng hệ thống sông nhỏ, kênh rạch kết nối với các tỉnh lân cận Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và liên thông với hệ thống đường thủy khu vực đồng bằng sông Cửu Long. |
Vươn đến các tỉnh
Cũng theo Sở GTVT TP, thời gian tới TP sẽ mở nhiều tuyến buýt-du lịch đường xa (từ trên 70 km) từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang và xa hơn nữa là kết nối liên tuyến qua Campuchia.
Trước mắt, sau khi mở tuyến bến Bạch Đằng - Cần Giờ - Vũng Tàu sẽ nối tuyến từ Vũng Tàu đi Mỹ Tho. Thời gian qua, Công ty Greenlines DP đã cho chạy thử một số chuyến tàu cao tốc hai thân từ Vũng Tàu đi Mỹ Tho và ngược lại. Theo đó, thời gian hành trình của tuyến này khoảng hai giờ 15 phút đến ba giờ (tùy theo loại tàu), giá vé khoảng 300.000 đồng/người/lượt. Như vậy nếu chuyển tiếp và nối tuyến bến Bạch Đằng - Vũng Tàu - Mỹ Tho thì tổng thời gian hành trình sẽ khoảng 4-5 giờ, giá vé sẽ khoảng 500.000 đồng/người/lượt.
Theo một cán bộ Sở GTVT, hành trình trên trước mắt chỉ phù hợp với khách đi du lịch, khám phá sông nước. Còn về lâu dài, để phù hợp với khách bình dân, đi thường xuyên thì phải mở tuyến ngắn hơn, rẻ tiền hơn. “Một trong những hướng tuyến đó là đi qua kênh Chợ Gạo đang được Sở GTVT TP và các tỉnh miền Tây nghiên cứu, khảo sát” - vị cán bộ cho biết.
Nối Tây Ninh, Bình Dương với miền Tây Theo Sở GTVT TP, định hướng thời gian tới là kết hợp du lịch với buýt sông với các tuyến: Tuyến tầm ngắn (dưới 30 km) đi quanh TP qua các kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - sông Sài Gòn - kênh Bến Nghé - Tàu Hủ; tuyến tầm trung (30-70 km) từ trung tâm TP đi Củ Chi lên Tây Ninh, Bình Dương bằng sông Sài Gòn, về Cần Giờ đi Vũng Tàu; tuyến tầm xa (trên 70 km) về các tỉnh miền Tây và kết nối, chuyển tiếp khách du lịch sông-biển từ các cảng biển như Cát Lái, Phú Hữu, Hiệp Phước, Thị Vải-Cái Mép… |