Trước làn sóng hàng loạt ngân hàng nâng lãi suất huy động tiền gửi, các chuyên gia kinh tế tài chính và quỹ đã đưa ra nhận định về thời điểm nâng lãi suất tín dụng cũng như nguyên nhân đằng sau các đợt điều chỉnh lãi suất này.
Có thể tín đụng được khơi thông nên nhu cầu vốn đầu vào tăng cao hơn
Theo chuyên gia kinh tế - tài chính Nguyễn Trí Hiếu, có hai nguyên nhân khiến lãi suất tiết kiệm tăng trong những ngày gần đây. Thứ nhất, có thể khách hàng đang không hài lòng với các mức lãi suất tiết kiệm như thời gian trước. Khi mà lãi suất tiếp tục giảm trong khi đó những kênh đầu tư như vàng đang trở nên hấp dẫn hơn. Và để giữ chân khách hàng, các ngân hàng buộc phải nâng lãi suất.
Thứ hai, tại một số ngân hàng, có thể hoạt động tín dụng được khơi thông trở lại. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng rất thấp, thậm chí âm trong tháng đầu. Cuối tháng 4-2024 và sang đến đầu tháng 5-2024, có thể ngân hàng nhận thấy đầu ra của tín dụng đã trở nên khả quan hơn, vì vậy các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Với việc cho vay nhiều hơn này, họ phải huy động vốn nhiều hơn để cho vay, ông Hiếu phân tích.
Cũng theo ông Hiếu, nhìn chung, từ khi lãi suất huy động tăng cho đến khi kéo theo lãi suất cho vay tăng, sẽ cần đến độ trễ. Thông thường với các ngân hàng, họ huy động vốn để cho vay ngay ra, thì ảnh hưởng lên lãi suất cho vay đầu ra sẽ diễn tức thời, không cần độ trễ. Thế nhưng nhìn chung, độ trễ từ huy động vốn đến việc đẩy ra nền kinh tế sẽ có độ trễ khoảng từ 2 cho đến 3 tháng sau khi ngân hàng tính toán đến các loại chi phí.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu dự báo trong nửa năm sau của năm 2024, hoạt động tín dụng có thể sẽ tăng trưởng rầm rộ hơn. Chính vì vậy ngân hàng có sự chuẩn bị từ trước về vốn để cho vay ra. Đó là nguyên nhân chính đẩy lãi suất cho vay cũng như huy động lên trong những tháng còn lại của năm.
Nhận định về những yếu tố từ bên ngoài có thể ảnh hưởng đến tình hình lãi suất tại Việt Nam. Ông Hiếu phân tích về mặt quốc tế, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ giảm lãi suất trong những tháng cuối năm 2024, điều này có thể sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất của Việt Nam.
Nếu Việt Nam giữ chênh lệch quá lớn giữa lãi suất của tiền đồng Việt Nam và tiền USD, tỷ giá sẽ chịu áp lực rất lớn. Nếu lãi suất tiền đồng Việt Nam quá thấp, tỷ giá có thể tăng. Trong trường hợp nếu ở Mỹ hạ lãi suất, áp lực tỷ giá sẽ giảm đi. Khi Mỹ hạ lãi suất, chênh lệch lãi suất giữa tiền USD và tiền đồng Việt Nam sẽ giảm đi, từ đó làm giảm áp lực phải tăng lãi suất, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Tóm tắt lại, ông Hiếu khẳng định áp lực nâng lãi suất với các ngân hàng Việt Nam trong nửa sau của năm 2024 sẽ giảm đi so với nửa năm đầu. Với khoảng thời gian còn lại của năm 2024, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu dự báo lãi suất huy động sẽ tăng tối đa 1% tùy kỳ hạn.
Lãi suất huy động có thể tăng đến mức nào?
Trong nhận định mới đây, một đại diện của ngân hàng UOB Việt Nam nhận xét mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy.
Mặc dù hoạt động kinh tế đã có sự cải thiện trong quý 1-2024, đặc biệt phải kể đến sự phục hồi trong hoạt động ngoại thương; thế nhưng vẫn cần phải theo dõi thêm các yếu tố khác như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ, đơn hàng mới trong thời gian tới để khẳng định xu hướng tăng trưởng vững chắc.
Dựa trên các thông tin được công bố chính thức, doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ có thể tự tin hơn trong tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu tư sản xuất và tiêu dùng.
Cũng theo chuyên gia của UOB, dựa trên các dữ liệu lịch sử, tín dụng trong nước thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý I hàng năm và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý II hằng năm. Trên cơ sở đó, chuyên gia UOB cho rằng lãi suát tiết kiệm sẽ có thể tăng 0,5 - 1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024.
Chuyên gia thuộc bộ phận phân tích của Dragon Capital trong khi đó dự báo sau mức giảm mạnh 70-90 điểm cơ bản từ đầu năm, lãi suất huy động có thể sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong các tháng tới. Đây có thể được coi như một đợt “điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất” để giảm bớt áp lực tỷ giá, chuyên gia Dragon Capital phân tích.