Với kỳ hạn 13 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất lên tới 9,4%/năm thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) dành cho các khoản tiền gửi trên 500 tỉ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) áp dụng mức lãi cao nhất lên tới 8,7%/năm với số tiền gửi từ 10 tỉ đồng trở lên. Với các ngân hàng TMCP khác, lãi suất kỳ hạn 13 tháng dao động 7,8%-8,5%/năm. Kỳ hạn 12 tháng lãi suất cao nhất rơi vào Ngân hàng SHB với 9,2%/năm trong khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn SCB là 8,66%/năm.
Để thu hút khách hàng gửi tiền, nhiều ngân hàng còn có các chương trình khuyến mãi cộng thêm lãi suất cho khách hàng như gửi tiết kiệm online hoặc khách hàng từ 40 tuổi, 60 tuổi trở lên... Tiền gửi càng lớn, sẽ được tặng thêm lãi suất.
Trước đó, vào cuối tháng 10, SCB cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn 469 ngày, lĩnh lãi cuối kỳ, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất lên đến 8,9%/năm.
Cụ thể, SCB phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn ghi danh với năm mệnh giá từ 100 triệu đồng đến 2 tỉ đồng. Khi có nhu cầu vốn, chủ sở hữu chứng chỉ tiền gửi SCB được tự do chuyển nhượng dưới các hình thức mua, bán, cho, tặng, trao đổi tại SCB.
Dù lãi suất huy động nhích lên đáng kể ở nhiều ngân hàng nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng chung vẫn ổn định. Ngày hôm nay, tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vấn đề cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu cần phải được triển khai, xử lý quyết liệt hơn, nhanh hơn và thực chất hơn.
Sử dụng hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phấn đấu năm 2020 giảm ít nhất 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên.