Sau khi bài phản ánh trường hợp của bà Nguyễn Thị Huệ bị đánh tráo giấy chủ quyền và bị người mua nhầm giành căn nhà 80/82 Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận, chúng tôi được cung cấp thêm một trường hợp lừa đảo tương tự tại phường 7, quận 5.
Nhiều người đến hỏi mua nhà
Tháng 8-2012, chị H. đăng báo cho thuê, bán căn nhà do chị làm chủ sở hữu ở phường 7, quận 5 (TP.HCM). Bà P. đã đến hỏi thuê trong thời gian hai tháng. Trong thời gian này, có một thanh niên đến hỏi mua nhà giúp người dì. Anh này yêu cầu chị H. cho xem bản chính giấy chủ quyền, giấy nộp lệ phí trước bạ, giấy chứng nhận độc thân và sau đó xin bộ phôtô.
Mấy ngày sau, người thanh niên quay lại cùng một phụ nữ (được giới thiệu là dì) xem nhà và mượn bản chính giấy chủ quyền. Đúng lúc đó, bà P. dọn vô ở. Người thanh niên và người phụ nữ liền trả giấy chủ quyền rồi ra về. Sau đó, người thanh niên cho biết sẽ dẫn người khác đến mua nhà và yêu cầu chủ nhà chi hoa hồng. Kế tiếp, anh này dẫn người khác đến xem nhưng không mua. Một thời gian sau, có thêm một phụ nữ khác đến mượn giấy tờ nhà bản phôtô nhưng cũng không mua.
Một trường hợp sử dụng giấy ủy quyền giả để đi công chứng mua bán nhà đã bị Phòng Công chứng số 1 TP.HCM lập biên bản vào tháng 4-2012. Ảnh: KIM PHỤNG
Tưởng chuyện mua bán không thành thì người thuê nhà tiếp tục ở nhưng không phải vậy. Khi bà P. ở chưa trọn tháng thì người hàng xóm phát hiện bà đang rao bán, cho thuê căn nhà của chị H.! Do việc rao bán này chưa rõ ràng nên chị H. âm thầm theo dõi. Tới hẹn trả tiền thuê nhà nhưng không thấy bà P. trả tiền và cũng không liên lạc được, chị H. đến nhà để xem sự thể thế nào thì thấy nhà khóa cửa. Hoảng hồn, chị H. đi nhiều nơi dò hỏi thì mới biết Phòng Công chứng số 7 đã công chứng hợp đồng bán nhà của chị. Chị H. lập tức gửi đơn đến Sở Tư pháp TP.HCM đề nghị ngăn chặn việc chuyển dịch căn nhà.
Chưa thể hủy hợp đồng
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó phòng Công chứng số 7, cho biết: Từ nội dung trình báo của chị H., Công an quận 5 đã giám định hồ sơ mua bán căn nhà trên. Theo đó, khi đi công chứng hợp đồng mua bán nhà, bên bán xuất trình bản chính giấy chủ quyền nhà. Như vậy, trong quá trình tiếp xúc với chủ nhà, ai đó đã đánh tráo giấy chủ quyền mà chủ nhà không biết. Riêng giấy CMND và hộ khẩu mang tên chị H. là giấy giả. Giống trường hợp của bà Huệ, mặt trước CMND ghi đúng các thông tin về chủ nhà nhưng dán ảnh người bán nhà. Mặt sau CMND in dấu vân tay, các dấu vết riêng của người bán nhà. Ngoài ra, người đóng vai chị H. còn đến UBND phường để làm giấy xác nhận độc thân và UBND phường nơi cấp giấy đã không biết đó là các giấy giả.
Khác với trường hợp của bà Huệ, người mua nhầm căn nhà của chị H. không hề tranh chấp với chị. Người này đã giao nộp cho Công an quận 5 bản chính giấy chủ quyền nhà và đồng ý cùng chị H. hủy hợp đồng mua bán nhà đã ký. Tuy nhiên, Phòng Công chứng số 7 đã từ chối giải quyết yêu cầu này. Ông Thắng giải thích: “Chị H. không phải là người đã ký hợp đồng mua bán trước đó. Do vậy, chúng tôi phải chờ kết luận của Công an quận 5 hoặc bản án, quyết định của TAND có thẩm quyền thì mới có cơ sở xử lý”.
KIM PHỤNG