Đại diện các doanh nghiệp (DN) cho rằng rất khó tiếp cận vốn ngân hàng do quy định về tài sản đảm bảo không hợp lý.
Khó vay vì thế chấp
Mang câu chuyện của công ty đến hội thảo “Cơ chế và giải pháp hỗ trợ vốn cho DN”, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp tổ chức ngày 22-9, ông Lâm Văn Chiểu, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân, cho biết công ty ông đã thuê gom được 350 ha ruộng của nông dân ở bảy vùng khác nhau trong tỉnh Nam Định. Sau đó cải tạo mặt bằng, xây dựng cầu cống, đường điện… đảm bảo đáp ứng cơ bản yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Sau khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi ngắn hạn từ Ngân hàng BIDV, Công ty Cường Tân tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa giống tại các địa phương. Nông dân tại các vùng sản xuất tập trung “Cánh đồng mẫu lớn” được công ty ứng trước toàn bộ giống lúa, tiền công lao động, tiền các dịch vụ khác và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Qua đó nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thêm thu nhập 20-23 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt mỗi hecta tạo thêm 600-650 ngày công cho lao động nông nhàn, giá trị một ngày công đạt 80.000-120.000 đồng. Lợi nhuận công ty thu về tương đương 1,5-2 tỉ đồng/vụ…
Ông Lâm Văn Chiểu cho hay thực hiện triển khai dự án “Cánh đồng mẫu lớn” để sản xuất tập trung, số vốn đã đầu tư là rất lớn, công ty rất muốn vay thêm vốn ngân hàng để đảm bảo sản xuất và hỗ trợ nông dân. Thế nhưng, phần đất đai sản xuất lại không có giá trị thế chấp để bảo lãnh vay vốn khiến công ty gặp khó khăn.
Khách hàng đang giao dịch tại một ngân hàng ở TP.HCM. Ảnh: HTD
“Ấy là chưa kể đến việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, phục vụ quá trình thu hoạch nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng đòi hỏi nhiều vốn nhưng không dễ vay... Điều này gây nhiều khó khăn trong việc bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân” - ông Chiểu phản ánh.
Còn theo ông Trần Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, công ty ông thuê 775 ha đất của Nhà nước để nuôi trồng, chế biến xuất khẩu, sản xuất thức ăn, bột cá và dầu cá tra. Tổng doanh thu của nhóm công ty năm 2014 đạt hơn 6.000 tỉ đồng và năm nay dự kiến trên 7.000 tỉ đồng.
“Chúng tôi rất muốn đem 775 ha đất đã thuê của Nhà nước cũng như tài sản trên đất thuê này để thế chấp vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho nông dân trong vùng nhưng không được” - ông Hùng than thở.
Đề nghị hạ lãi suất
Nhiều DN khác cũng cho hay họ gặp khó khăn trong việc vay vốn như ông Chiểu, ông Hùng... Từ đó các DN đề nghị NHNN và các ngân hàng thương mại điều chỉnh hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn (xuống thấp dưới 9%/năm) để tạo điều kiện cho DN mạnh dạn đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh; tăng thêm thời gian chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp.
Đi vào cụ thể, ông Hùng đề xuất: “Các ngân hàng thương mại cho vay nên định giá tài sản các ao nuôi cá theo giá thị trường vì giá trị đầu tư vào các ao nuôi này là rất lớn. Trong khi hiện nay các ngân hàng chỉ định giá các ao nuôi theo khung giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh ban hành” - ông Hùng nói.
Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Chế biến và Xuất nhập khẩu, thì nhìn nhận DN và ngân hàng từ năm 2008 tới nay đều chịu khó khăn và áp lực như nhau. DN rất cố gắng, gồng mình để vượt qua và chống chọi với khó khăn chung. Tuy vậy, ông Lý cũng kiến nghị: “Thời gian tới, NHNN cần quan tâm hơn tới hỗ trợ vốn cho các DN nhỏ lẻ, khu vực nông nghiệp nông thôn”.
Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng đã đến lúc việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cần phải theo hướng thị trường. “Trong lúc khó khăn này, chúng ta quan tâm đến ưu đãi, hạ lãi suất… là không bền vững, bởi đây không phải là biện pháp thị trường. Cần phải tính thử xem số tiền chúng ta sử dụng để hạ lãi suất là bao nhiêu để cân nhắc đưa nó vào một quỹ bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp.
Được khoanh nợ, giãn nợ Trả lời các DN tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, nói nông nghiệp là một trong năm lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Nghị định 55 của Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp tăng giá trị vay tín chấp; có quy định riêng về tín dụng đối với chuỗi liên kết sản xuất hoặc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Đặc biệt, có chính sách miễn giảm vốn vay, tăng thời gian trả nợ… cho các DN. Ngoài ra khi gặp thiên tai, dịch họa thì DN nông nghiệp sẽ được khoanh nợ, giãn nợ hoặc xóa nợ trong vòng hai năm. |