Làm “căn cước gen” để bảo vệ thương hiệu hàng Việt

(PLO)- Theo chuyên gia xuất khẩu gạo đứng tốp đầu thế giới, Việt Nam nên làm “căn cước gen” cho lúa gạo càng sớm càng tốt.

Nhiều nước yêu cầu bắt buộc phải làm “căn cước gen” của giống để quản lý và bảo vệ nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu và hàng nhái. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS-TS Nông Văn Hải, Viện Nghiên cứu hệ gen, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VN), cho biết như trên.

Việc giải mã gen không quá khó khăn

. Phóng viên: Thưa ông, mấy ngày gần đây dư luận quan tâm đến câu chuyện xoay quanh cuộc thi “Gạo ngon VN” năm 2022 vừa diễn ra. Cụ thể, tác giả gạo ST24 (đoạt giải nhì cuộc thi) nghi ngờ gạo TBR39 (đoạt giải nhất cuộc thi) có nguồn gốc từ gạo ST24. Liệu có cách nào để kiểm chứng, làm rõ sự nghi ngờ này không?

GS-TS Nông Văn Hải.

+ GS-TS Nông Văn Hải:Thực tế chúng ta có thể xác định giống này liệu có xuất xứ từ giống kia hay không bằng cách dùng các mã vạch phân tử ADN hay giải mã hệ gen cho các giống đó. Theo đó, nếu làm mã vạch phân tử ADN thì cho kết quả nhanh hơn nhưng chính xác nhất vẫn là giải mã toàn bộ hệ gen.

. Việc xác định mã vạch phân tử ADN hay giải mã hệ gen có khó khăn, phức tạp không, thưa ông?

+ Không quá khó khăn vì hiện nay tại nước ta đã có nhiều viện và trung tâm nghiên cứu có thể thực hiện xác định mã vạch phân tử ADN hay giải mã hệ gen. Đó là Viện Nghiên cứu hệ gen hay Viện Công nghệ sinh học (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ VN), Viện Di truyền nông nghiệp và Trung tâm Tài nguyên thực vật, Viện Khoa học nông nghiệp VN (trực thuộc Bộ NN&PTNT)… Những nơi này đều có các phòng thí nghiệm và đội ngũ các nhà khoa học có thể thực hiện tốt việc phân tích mã vạch phân tử ADN hay giải mã hệ gen các giống lúa.

Chẳng hạn, từ nhiều năm nay, Viện Nghiên cứu hệ gen đã nghiên cứu phát triển thành công các mã vạch phân tử và giải mã hệ gen cá tra và sâm Ngọc Linh. Viện Di truyền nông nghiệp đã có nhiều nghiên cứu mã vạch phân tử cây trồng và giải mã thành công hệ gen hàng trăm giống lúa khác nhau.

Nếu không tự làm thì có thể gửi làm dịch vụ tại các cơ sở phân tích hệ gen ở nước ngoài cũng rất nhanh.

.Việc xác định mã vạch phân tử hay giải mã gen này đòi hỏi những yêu cầu gì, có mất nhiều thời gian không? Chi phí cho những việc này như thế nào, thưa ông?

+Hiện nay, trên thế giới người ta có thể sử dụng các mã vạch phân tử khá phổ biến. Đơn cử như các chỉ thị SSR (các đoạn ADN lặp lại đơn giản hay còn gọi là ADN vệ tinh) hoặc các chỉ thị SNP (đa hình nucleotide đơn) để phân biệt các giống lúa. Đây là các kỹ thuật PCR và giải trình tự gen thông thường. Thời gian cho kết quả khá nhanh và chi phí tương đối rẻ.

Việt Nam nên gấp rút đẩy mạnh việc làm “căn cước gen” để bảo vệ lúa gạo, nông sản.
Trong ảnh: Gạo Việt Nam tại một siêu thị ở Pháp. Ảnh: QH

Tuy nhiên, để có kết quả chính xác nhất cần giải trình tự toàn bộ hệ gen theo công nghệ giải trình tự thế hệ mới. Thời gian giải mã hệ gen cũng chỉ cần một vài tuần. Về chi phí cũng không quá tốn kém, khoảng 1.000-2.000 USD/mẫu.

Gia tăng giá trị nhờ có thương hiệu, tiêu chuẩn rõ ràng

VN hiện là một trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Nông sản Việt cũng đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý, VN đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, gạo; thứ năm về thủy sản… Tuy nhiên, VN chủ yếu xuất khẩu nông sản thô, nhà nhập khẩu dùng làm nguyên liệu phối trộn, do đó không có tên hay thương hiệu.

Nếu nông sản VN xuất khẩu có thương hiệu, có tiêu chuẩn rõ ràng thì giá trị sẽ gia tăng rất lớn. Thống kê của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy những nông sản xuất khẩu có thương hiệu sẽ gia tăng giá trị 200%-300%, thậm chí có nông sản giá trị tăng đến 500%. Đặc biệt, việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật là điều kiện tiên quyết để nông sản thâm nhập thị trường khó tính.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu mã vạch phân tử ADN bao gồm trình tự hệ gen cho các giống cây trồng, vật nuôi ở nhiều nước đã trở nên rất phổ biến. Đây có thể được xem như “căn cước gen” hay “nhận dạng gen” của giống. Hiện nay, ở nhiều nước việc này là bắt buộc nhưng ở ta thì chưa.

Cần làm “căn cước gen”

. Vì sao nhiều nước lại bắt buộc làm “căn cước gen”, nhận dạng gen của giống, thưa ông?

+Nhiều nước yêu cầu bắt buộc phải làm “căn cước gen” của giống là để quản lý và bảo vệ nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu; kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu và hàng nhái. Nhưng không riêng gì lúa gạo mà mọi giống cây, con là nguồn nguyên liệu cho nông sản, thực phẩm, dược phẩm… họ cũng làm “căn cước gen”.

Trong khi VN lại chưa làm vì chưa chú ý hay chưa được đầu tư, nên hàng lậu, hàng nhái vẫn xuất hiện nhiều mà không giám định chính xác được. Ví dụ, các công ty muốn bán hàng chính hiệu có thể làm xét nghiệm gen biết hàng mình thật hay không. Hay gạo Hom Mali của Thái Lan, ai bán hàng nhái pha trộn họ làm gen là biết.

Việc áp dụng công nghệ ADN để quản lý nhận dạng lúa gạo Hom Mali đã được công nhận là chìa khóa hỗ trợ việc tiêu chuẩn hóa xuất khẩu. Thái Lan đã phát triển các kỹ thuật chỉ thị phân tử tiên tiến, chỉ cần phân tích trên một hạt lúa gạo với chi phí thấp để xác định mức độ lẫn tạp di truyền. Hiện nay Thái Lan có thể phân tích lên đến 50.000 mẫu/năm, đủ để đáp ứng 2 triệu tấn gạo Hom Mali cao cấp của Thái Lan cho xuất khẩu.

. Có thể thấy việc làm “căn cước gen” là vô cùng cần thiết. Ông có cho rằng VN nên gấp rút đẩy mạnh việc làm “căn cước gen” để bảo vệ và phát triển các giống lúa của ta, cũng như bảo vệ thương hiệu hàng Việt?

+Như trên đã nói, cùng là những nước sản xuất và xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới, Thái Lan đã làm được việc này từ lâu. Vì vậy, VN muốn hội nhập quốc tế thì nên làm càng sớm càng tốt.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới