Lạm dụng thuốc khiến côn trùng “nổi giận”

Tấn công thành phố, có cả ở tầng 20 tòa nhà


Ngày 7.7 vừa qua, ông Đỗ Thành Nam 42 tuổi, sống ở TP Nha Trang, Khánh Hòa phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, tụt huyết áp sau khi bị bọ xít hút máu người cắn. Trước đó, khoảng 4h sáng cùng ngày, ông Nam cảm thấy rất mệt, ngứa toàn thân, sau đó bất tỉnh, được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu. Kiểm tra nhà cửa, sau đó gia đình phát hiện trong màn nơi ông Nam nằm ngủ có một con bọ xít màu nâu, rìa thân có sọc màu vàng nên đã bắt và đem đến bệnh viện. Các bác sĩ nhận định ban đầu đây là loài bọ xít hút máu người, có hình dáng giống hệt những con bọ xít hút máu người từng được phát hiện ở Bình Định, Huế…

Tại chung cư Xuất khẩu bao bì (Pakexim), ngõ 15 An Dương Vương, Tây Hồ, Hà Nội hầu hết các hộ gia đình ở đây đã quen với việc nhìn thấy kiến ba khoang trong nhà dù ở tầng 20 đi nữa. Chị Thu Lê (tầng 7) cho biết, trong nhà chị lúc nào cũng có sẵn thuốc tím, hồ nước và thuốc bôi gentrisone. Từ đầu hè đến nay cả nhà chị đều bị kiến đốt, nặng nhất là bé gái 3 tuổi cháu chưa biết nên cứ ngứa là gãi khiến hơn nữa tháng vết đốt vẫn sưng phồng, mưng mủ. Vẫn theo chị Lê, chị sống ở đây từ nhỏ do khu vực này xung quanh là các vườn đào của làng đào nổi tiếng Phú Thượng nên kiến đã từ gốc đào theo thang máy lên. Bao nhiêu năm thường vẫn thấy loài kiến này ở các gốc đào mỗi khi làm đất hoặc trồng lại gốc, nhưng việc kiến từ các gốc đào leo tới cả tầng 20 chung cư thì chỉ 1, 2 năm gần đây mới thấy. Để tránh kiến bò vào nhà, nhà chị thường xuyên phải đóng cửa kính kín mít, bật điều hòa, tắt đèn ngoài hàng lang.

Tương tự chị Ngọc Mai (tầng 5) cho biết, nhà chị đã thuê người đến phun thuốc diệt kiến ngay từ đầu mùa hè, 3 năm nay năm nào chị cũng làm như vậy. Nhưng dùng thuốc diệt côn trùng thì cũng khó diệt tận gốc vì chỉ diệt được những con kiến đang có trong nhà. Vì tổ kiến thường ở ngoài vườn đào. Tốt nhất những ngày gió to nên đóng cửa kín vì kiến sẽ theo gió bay vào, đặc biệt đi ngủ nên mắc màn, chị Mai chia sẻ kinh nghiệm.

Hạ sách mới dùng thuốc


TS. Phạm Thị Khoa trưởng khoa Hóa thực nghiệm, viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng Trung ương cho biết, bà đã thử nghiệm diệt bọ xít hút máu bằng thuốc trừ sâu thường được sử dụng ở Việt Nam. Bọ xít được thử nghiệm thuốc trừ sâu dưới dạng tiếp xúc giấy ngâm tẩm trong 1 đến 3 ngày nhưng chúng kháng với thuốc alpha-cypermethrin tại 30mg/m2. “Chính biến đổi khí hậu, thái độ ứng xử với môi trường của chúng ta đã dẫn theo sự phát triển loài bất thường”, TS Khoa cảnh báo.

TS Trương Xuân Lam, trưởng phòng Côn trùng thực nghiệm, viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, một trong những người đầu tiên nghiên cứu về bọ xít tại Việt Nam chia sẻ, trước đây mỗi khi tìm thấy ổ bọ xít thường tìm thấy kèm ít nhất một con chuột sống cùng khu với ổ bọ xít đó ở các nơi nhà kho, gác xép chứa gỗ, củi. Bọ xít thường hút máu chuột để sống nhưng có thấy nhận thấy rõ hiện nay chúng đã chuyển đổi cách tấn công sang người.

Theo các nhà khoa học, việc người nông dân lạm dụng thuốc trừ sâu: một mùa phun 3 lần thay vì 1 lần hay người dân năm nào cũng “sợ côn trùng” vào nhà mà phun thuốc diệt trừ... đã khiến các loài này bị nhờn thuốc. Chúng sẽ chuyển từ những nơi bị phun thuốc nhiều sang nơi bị phun thuốc ít, rời xa ruộng đồng, rừng núi để tiến vào thành phố. Nên “hạ sách” mới dùng đến thuốc hóa học. Ngoài cách diệt thủ công như diệt bằng tay, hơi nóng... cần vệ sinh nhà cửa luôn sạch sẽ. Khi nhặc xác côn trùng vứt đi cần dùng ny lông hoặc giấy lót tránh để nọc độc của chúng dính vào tay.

TS Khoa nhấn mạnh, thiên địch của bọ xít là nấm nhưng các loài thiên địch có lợi đang bị tiêu diệt dần. Hiện ở châu Âu họ khuyến khích các gia đình không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu, họ hỗ trợ cho người dân thêm tiền cùng với tiền bán sản vật. Họ vận động người dân hạn chế dùng thuốc trừ sâu bởi nếu lạm dụng nó sẽ tiêu diệt hết các loài thiên địch có lợi. Đây là cách để chúng ta có thể chung sống “hòa bình” với các côn trùng này.

Hà Nội có đến 31/36 đường phố với 121 vị trí được ghi lại cho thấy sự hiện diện của bọ xít hút máu, chiếm tỉ lệ 86%. Một vài huyện đạt kỷ lục về số địa điểm phát hiện từ 15 đến 30 lần như Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì, Đan Phượng, Đông Anh, Ứng Hoà)... Ngoài việc gây đâu, dị ứng rộng, gây ngất thì với những người bị bọ xít đốt, nó sẽ tiến triển ầm thầm. Bệnh sử triệu trứng không rõ ràng khoảng 20 năm sau có thể gây viêm cơ tim.


Theo Thiên Lam (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới