Thời tiết những ngày gần đây tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang bước vào mùa nắng nóng gay gắt. Có những nơi ghi nhận nhiệt độ lên đến 42 độ C, đặc biệt vào giữa trưa nắng gắt.
Đáng chú ý, nhiều chủ xe ô tô đậu ở các vị trí tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời lâu có thể làm nhiệt độ trong khoang nội thất ô tô cao hơn bên ngoài rất nhiều.
Anh NTB (ngụ quận 3, TP.HCM) cho biết: “Buổi trưa tôi khởi động xe sau đó lên ngồi mà không chờ xe mát vì cần phải đi ngay, lúc tôi dựa lưng vào ghế lái cảm giác như lưng của bị bị bỏng vì nhiệt độ quá cao. Lúc đó tôi xem nhiệt độ bên trong xe cũng phải 42 độ C”.
Theo kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch cho biết: “Khi ô tô tắt máy, đóng kín cửa và để phơi lâu dưới trời nắng nóng với nhiệt độ ngoài trời khoảng 40 độ C thì nhiệt độ trong xe sẽ hơn 90 độ C”.
Do đó, trước khi lên xe, các chủ xe cần có những thao tác để xe không bị nóng ngộp, đặc biệt trường hợp không thể đậu xe các chỗ có bóng cây, mái che.
Để đẩy bớt không khí nóng ra khỏi khoang nội thất sau khi đậu xe dưới trời nắng thời gian lâu, người dùng ô tô có thể điều khiển xe từ xa để khởi động xe trước 5 phút trước khi lên xe để điều hoà cũng chạy vừa đủ làm mát khoang nội thất xe.
Đối với xe không có điều khiển từ xa, người dùng có thể mở cửa xe khởi động xe và hạ cửa kính ở ghế hành khách phía trước và phía sau. Sau đó, đóng mở cửa xe phía người lái (không hạ cửa kính) từ 4 - 6 lần.
Theo những người có kinh nghiệm chia sẻ, cách này giúp cửa xe như một cách quạt, đưa luồng không khí bên ngoài vào ca-bin, đồng thời đẩy không khí nóng trong nội thất ra ngoài qua cửa kính ở ghế hành khách phía trước, sau.
Sau đó, người dùng bật hệ thống điều hòa, để ở chế độ tự động hoặc nhiệt độ phù hợp, không cần hạ thấp nhiệt độ và tăng mức quạt gió.
Loại bỏ vật dụng dễ cháy trong cabin
Các chuyên gia cũng lưu ý các vật dụng mà chủ xe thường xuyên để bên trong cabin xe dễ gây ra cháy, nổ khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Theo kỹ sư Lê Văn Tạch, nhiều người có thói quen để các vật dụng trên xe như bật lửa, nút dán kính, chai nước nhựa… dưới kính lái. Trong khi đó, góc chiếu của ánh nắng, hình dạng và độ trong của vỏ chai, chai đựng đầy nước, vật liệu dễ bắt lửa. Việc này sẽ rất nguy hiểm khi xe để quá lâu ngoài trời với nhiệt độ cao.