Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM sẽ kiểm định chất bảo quản trong gạo mà bạn đọc phản ánh. Ảnh: TRẦN NGỌC
Phản ánh với Pháp Luật TP.HCM vào sáng 16-3, bà T.Tr. (quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết cách đây vài ngày trước bà có đến một tiệm tạp hóa trên đường 48, phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức) mua 5 kg gạo. “Người bán giới thiệu là giống gạo Điện Biên, đồng thời bán với giá mỗi ký 19.000 đồng” - bà Tr. nói.
Sau đó bà Tr. lấy ít gạo nấu cơm và ghi nhận cơm không có mùi thơm, không dẻo… Một ngày sau, bà Tr. phát hiện cơm còn lại trong nồi không có biểu hiện ôi thiu. “Thấy lạ, tôi để thêm hai ngày nữa nhưng cơm vẫn bình thường, không hư. Lo ngại gạo có vấn đề nên tôi không dám sử dụng” - bà Tr. cho biết.
Phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM mang số gạo còn lại tới Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM. Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm của chi cục này, cho biết sẽ kiểm định để xác định có chất bảo quản hay không.
Bà Thoa cho biết thêm có trường hợp người bán gạo sử dụng hóa chất để chống mọt. Tuy nhiên, gạo không ngâm trực tiếp vào hóa chất mà chỉ xử lý bằng cách xông hơi vì nếu ngâm trực tiếp thì gạo sẽ ẩm, hư.
Ngoài ra, hầu như không ai sử dụng chất bảo quản để chống ẩm mốc cho gạo bởi nếu phun trực tiếp thì gạo ẩm, nhanh hư. Trong khi đó, bản thân gạo đã khô nên sử dụng chất bảo quản để chống mốc là điều không đáng làm. “Cơm để lâu không ôi thiu chỉ có khả năng chất bảo quản được bỏ vào nồi sau khi cơm đã chín” - bà Thoa giải thích.