Làm sao để có Google, Facebook… của Việt Nam?

Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, đem đến hội thảo “Phát triển công nghiệp thông minh” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 5-12 những ý kiến thực tế từ việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh trong việc nuôi bò sữa của mình.

Tại sao Mỹ, Israel làm được?

“Tôi đã trăn trở trước những câu hỏi: Tại sao các nước như Thái Lan, Hà Lan, Mỹ, Israel… cũng sản xuất nông nghiệp nhưng có năng suất cao, chất lượng tốt, hàng hóa tiêu thụ nhiều với giá rất cạnh tranh” - bà Thái Hương nói.

Lấy Israel làm ví dụ, bà Thái Hương kể: Diện tích của nước này chỉ nhỉnh hơn Nghệ An một chút nhưng lại được mệnh danh là “thung lũng silicon” trong nông nghiệp và công nghệ nước, chất lượng sữa và các sản phẩm nông nghiệp được đánh giá hàng đầu trên thế giới.

“Với trang trại bò trên 45.000 con hiện nay, Tập đoàn TH áp dụng nhiều công nghệ của các nước tiên tiến. Bò được đeo chip và quản lý bằng phần mềm máy tính. Công nghệ này quản lý được động dục, cảnh báo và phát hiện bệnh viêm vú trước bốn ngày, phân loại bò, sinh sản, năng suất và chất lượng sữa…” - bà Thái Hương kể và nói các công đoạn khác đều áp dụng công nghệ thông minh.

Thừa nhận nông nghiệp thông minh 4.0 sẽ là giải pháp toàn diện nhưng bà Thái Hương cho rằng để thành công thì điều đầu tiên cần đặt ra là cần một chính sách toàn diện. Trong đó có các tư vấn về công nghệ và đào tạo nhân lực, đặc biệt là nông dân, để hoạt động này được tiến hành một cách bài bản.

Về lĩnh vực công nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc MobiFone, nhận định rằng xu thế trên thế giới về thiết bị IoT (Internet kết nối vạn vật) được ứng dụng rất nhiều trên nhiều lĩnh vực, từ sản xuất máy công nghiệp cho đến y tế, nông nghiệp.

Thủ tướng thăm các gian hàng công nghệ tại hội thảo - triển lãm “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017”. Ảnh: VGP

“Ví dụ như sản xuất máy công nghiệp, có nhiều loại máy công nghiệp lớn gắn thiết bị IoT và thường xuyên báo về trung tâm. Ở trung tâm sẽ biết thiết bị đó hỏng trước khi người sử dụng biết. Và khi phát hiện ra hỏng thì trung tâm đã có kế hoạch sản xuất ra thiết bị đó, khi người sử dụng đặt hàng thì nhà máy đã gần như sản xuất xong. Điều này thay đổi cơ chế sản xuất, vì trước đây không có IoT cảnh báo sự hỏng hóc thì đơn hàng đến nơi họ mới sản xuất, mất thời gian” - ông Hùng giải thích.

Ở một góc độ khác, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc VNPT, cho rằng cần phải hội nhập thì những lợi thế về công nghệ thông minh mới phát triển được. “Kinh tế số thì phải hội nhập, nếu không thì không sống nổi trong nước. Chúng ta cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp để tương lai sẽ có những Uber, Google, Airbus… của Việt Nam (VN)” - ông Liêm nói.

Sẵn sàng thử nghiệm những mô thức mới

Điểm qua những chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông minh ở nhiều nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập tới việc các tập đoàn như Alibaba, Facebook, Amazon… đã trở thành những người khổng lồ trong thương mại điện tử, mạng xã hội và có tác động lan tỏa, kết nối mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu.

Với VN, Thủ tướng cho biết hiện nay VN đã cơ bản phủ sóng 4G với trên 4.000 trạm phát sóng và hơn 95% dân số được phủ sóng; khoảng 52 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, đứng thứ năm ở châu Á-Thái Bình Dương và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh. “Đây là nền tảng quan trọng giúp VN nắm bắt nhanh chóng những thành tựu công nghệ mới” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhận định cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, do vậy không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Phải có thái độ ứng xử cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm những mô thức mới.

“Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm và hành động cụ thể; tập trung nắm bắt xu hướng công nghệ mới, trang bị đủ năng lực, sẵn sàng tiếp nhận các mô hình kinh doanh mới, dũng cảm từ bỏ, cải cách mô hình cũ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, người tiêu dùng” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Còn bị động với cái mới

Trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, VN đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức đó là quy mô và sự sẵn sàng thay đổi của cộng đồng DN.

DN VN phần lớn là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều DN còn bị động với các xu thế phát triển mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình tổ chức kinh doanh. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và đứng trước áp lực lớn về nguồn lực để chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, tạo đột phá”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm