Làm thẻ BHYT: Đăng ký online, trao thẻ tận nhà

(PLO)- Người tham gia bảo hiểm y tế chỉ cần thực hiện một số thao tác trên cổng dịch vụ công sẽ được trao thẻ tận nhà.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ ngày 1-1, sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú (STT) sẽ hết hiệu lực, việc quản lý cư dân sẽ được thực hiện thông qua cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư.

Một số bạn đọc băn khoăn về những thủ tục khi đóng tiền, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới thì có thể được thực hiện trực tuyến hay không. Bởi lâu nay khi người dân mua BHYT hộ gia đình hoặc đăng ký cấp thẻ BHYT đối với những người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì phải đến UBND phường, bưu điện hoặc cơ quan BHYT để thực hiện.

Mất thời gian đi lại đăng ký thẻ BHYT

Chị Nguyễn Thị Hà (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết gia đình chị tham gia BHYT hộ gia đình từ nhiều năm nay. Mỗi năm chị đóng tiền mua BHYT một lần nhưng phải đến các đại lý thu như UBND xã, bưu điện hoặc cơ quan BHXH để đóng tiền. Ngoài ra, chị muốn được giảm mức đóng cho các thành viên trong hộ gia đình thì phải nộp SHK hoặc STT.

“Hiện nay thẻ BHYT của những thành viên trong gia đình tôi sắp hết hạn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại SHK hết hạn nên tôi không biết đóng BHYT thì có được giảm mức đóng hay không. Nếu hiện nay việc quản lý cư dân thông qua hệ thống CSDL quốc gia thì nên chăng việc đăng ký đóng và cấp thẻ BHYT sẽ được thực hiện trực tuyến. Có như thế thì người dân sẽ đỡ mất thời gian đi lại” - chị Hà chia sẻ.

“Hiện nay khi đi khám chữa bệnh người dân chỉ cần đưa CCCD thì có thể làm xong thủ tục đăng ký khám chữa bệnh BHYT. Điều này có thể thấy hiện nay việc quản lý người tham gia BHYT được thực hiện trên hệ thống phần mềm, đồng thời hệ thống CSDL quốc gia về dân cư đã được kết nối. Vì thế, đối với những thủ tục đóng BHYT hộ gia đình, đăng ký cấp thẻ BHYT thì cũng nên triển khai bằng hình thức online để người dân giảm bớt các thủ tục hành chính liên quan” - anh Trần Văn Hoan (quận Gò Vấp) nêu ý kiến.

Người dân đến đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại BV quận Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Người dân đến đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại BV quận Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bảy bước đăng ký cấp thẻ BHYT online

Được biết cơ quan BHXH Việt Nam vừa ban hành Quyết định 3510, hướng dẫn quy trình đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT trên cổng dịch vụ công.

Theo đó, từ ngày 1-1, người dân khi đăng ký tham gia BHYT hoặc đóng tiếp BHYT, có thể thực hiện các thủ tục trên cổng dịch vụ công quốc gia. Sau đó, thẻ BHYT sẽ được giao tận nhà.

Về quy trình đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo… có mức sống trung bình sẽ thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Người tham gia thực hiện kê khai đầy đủ, chính xác các trường thông tin theo mẫu 01-TK trên cổng dịch vụ công cho cá nhân hoặc các thành viên của hộ gia đình tham gia BHYT trong cùng một lần.

Bước 2: Hệ thống phần mềm tự động kiểm tra, đối chiếu thông tin người tham gia kê khai để xác định nơi cư trú, xác thực thông tin. Sau đó sẽ xác định đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng và xác định chính xác số tiền phải đóng để người tham gia nộp tiền trực tuyến.

Bước 3: Người tham gia thực hiện nộp tiền trực tuyến trên cổng dịch vụ công, sau đó nhận biên lai thu tiền điện tử.

Bước 4: Sau khi nhận được số tiền của người tham gia, hệ thống phần mềm sẽ ghi nhận số tiền vào phần mềm.

Bước 5: Sau khi hệ thống phần mềm thực hiện bước 4, cán bộ kiểm tra hồ sơ, dữ liệu, trình giám đốc BHXH tỉnh/huyện ký số thẻ BHYT bản điện tử hoặc in thẻ BHYT bản giấy theo quy định, chuyển cán bộ tiếp nhận và trả kết quả.

Bước 6: Cán bộ tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận dữ liệu hoặc thẻ BHYT bản giấy, thực hiện việc phát hành, trả kết quả cho người tham gia.

Bước 7: Người tham gia nhận thẻ BHYT bản điện tử hoặc thẻ BHYT bản giấy theo phương thức đã đăng ký.

Về quy trình đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người thuộc nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng sẽ thực hiện bảy bước.

Bước 1: Người tham gia thực hiện kê khai đầy đủ, chính xác các trường thông tin theo mẫu 01-TK trên cổng dịch vụ công cho cá nhân hoặc các thành viên của hộ gia đình tham gia BHYT trong cùng một lần kê khai.

Bước 2: Hệ thống phần mềm tự động kiểm tra, đối chiếu thông tin người tham gia kê khai để xác định nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Xác thực thông tin của chủ hộ, các thành viên hộ gia đình cùng đăng ký thường trú hoặc tạm trú với CSDL quốc gia về dân cư. Sau đó sẽ xác định thứ tự tham gia BHYT của từng thành viên được giảm trừ mức đóng trong CSDL của BHXH Việt Nam, xác định chính xác số tiền phải đóng để người tham gia nộp tiền trực tuyến.

Với các bước 3, 4, 5, 6 và 7 cũng sẽ được thực hiện như đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo.•

Thủ tục liên quan đến BHYT khi bỏ sổ hộ khẩu

Từ ngày 1-1, Nghị định 104/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến nộp, xuất trình SHK, STT giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, người nhận thẻ BHYT không cần mang theo SHK. Nếu người hưởng chế độ trực tiếp nhận thì chỉ cần cung cấp giấy hẹn và CMND/CCCD.

Trường hợp nhờ người khác nhận thay: Nếu là thân nhân của người hưởng chế độ thì cung cấp giấy hẹn, CMND/CCCD và một trong các giấy tờ chứng minh là thân nhân của người hưởng BHYT. Các giấy tờ thay thế như bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân…

Nếu là người giám hộ: Cung cấp giấy hẹn, CMND/CCCD, giấy tờ chứng minh là giám hộ của người hưởng BHYT. Trong trường hợp không có người giám hộ theo quy định của pháp luật thì cung cấp giấy hẹn, CMND/CCCD, quyết định công nhận việc giám hộ của cấp có thẩm quyền...

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm