Sáng 3-4, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh (TP.HCM) bất ngờ kiểm tra điểm giết mổ heo lậu của ông Phạm Văn Học (tại địa chỉ ấp 5, xã Phạm Văn Hai). Đoàn phát hiện ba con heo tại đây không có giấy chứng nhận kiểm dịch nên đưa về nhốt ở cơ sở giết mổ Bình Chánh để thực hiện kiểm dịch theo quy định.
“Theo quy định, đối với động vật (heo, bò, gà…) không có giấy chứng nhận kiểm dịch, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền còn kèm theo biện pháp khắc phục là buộc kiểm dịch. Trong thời gian kiểm dịch, chủ của số động vật trên phải có trách nhiệm chăm sóc và cho ăn. Nếu chủ không làm được thì có thể cử người thay” - ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết.
Chủ bỏ ba con heo bị tạm giữ
Cùng ngày, đoàn kiểm tra liên ngành mời ông Học lên làm việc nhưng ông không tới. Sáng hôm sau (4-4), ông Nguyễn Văn Hải, cán bộ kinh tế UBND xã Phạm Văn Hai, đến nhà ông Học mời lên làm việc nhưng ông Học cũng không lên.
Tình trạng chủ bỏ số động vật như trên không phải là hiếm. Nhưng vì sao giá trị số động vật bị tạm giữ khá lớn nhưng chủ vẫn bỏ? Phóng viênPháp Luật TP.HCMđến nhà ông Học để tìm câu trả lời nhưng không có ông ở nhà. Người em ông Học liên lạc qua điện thoại rồi cho biết ông Học bận việc làm ăn nên không thể về chăm lo đàn heo nên quyết định bỏ luôn.
Cơ quan Thú y TP.HCM lấy mẫu heo chưa qua kiểm dịch để xét nghiệm các loại bệnh. Ảnh: TRẦN NGỌC
Mẹ ông Học cho biết: “Đoàn kiểm tra liên ngành có gửi thư mời con tôi lên làm việc và dặn con tôi nhớ cho heo ăn trong thời gian nhốt ở cơ sở giết mổ Bình Chánh. Tuy nhiên, do con tôi quyết định không giết mổ heo nữa nên bỏ luôn ba con heo, không cho ăn uống”.
Đối với những trường hợp chủ bỏ số động vật vi phạm, các cơ quan chức năng xử lý chúng xem ra khá lúng túng. Đoàn kiểm tra cho biết do ông Học không đến làm việc nên đoàn không thể tiến hành kiểm dịch cho ba con heo. Trong thời gian này, ba con heo không được cho ăn nên khoảng 10 ngày sau một con bị chết do kiệt sức. Đoàn kiểm tra làm đề xuất và tiến hành tiêu hủy. Hai con heo còn lại cũng đang trong tình trạng nằm một chỗ, nhích chân đi không nổi.
Bán đấu giá: Thủ tục nhiêu khê
Ông Nguyễn Hồng Triệu, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Bình Chánh, cho biết đối với động vật thuộc dạng vắng chủ có hai hình thức xử lý. Một là tiến hành tiêu hủy. Trước khi tiêu hủy phải lập hội đồng tiêu hủy gồm có đại diện Đội Cơ động Chi cục Thú y TP.HCM, Trạm Thú y huyện Bình Chánh, công an kinh tế huyện, Đội Quản lý thị trường huyện và lực lượng thanh niên xung phong. Hình thức thứ hai là tổ chức bán đấu giá. Để bán đấu giá cũng phải lập hội đồng xác định giá trị tang vật với đầy đủ thành phần đại diện của các cơ quan chức năng có liên quan.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết mặc dù đã lập hội đồng bán đấu giá nhưng việc thực hiện không dễ. Vì thời gian lập hội đồng và thống nhất giá trị của số động vật giữa các thành viên không phải ngày một ngày hai mà thường kéo dài. Trong thời gian này, việc chăm sóc và cho đàn heo ăn uống tiêu tốn khá nhiều công sức. Chưa hết, việc tổ chức bán đấu giá đến khi có người mua thì giá trị thực tế chênh lệch với giá trị mà hội đồng đã xác định (heo bị sụt cân) nên dễ xảy ra nhiều vấn đề khác, kéo dài thời gian. Với lại heo giết mổ lậu thường có chất lượng kém nên không dễ bán. “Điều này khiến cơ quan chức năng thực sự lâm vào tình trạng nan giải, khó thực hiện. Vì vậy, đối với động vật vô chủ thì tiêu hủy là cách được lựa chọn dù biết lãng phí” - ông Thảo nói.
Hội đồng xác định giá trị tang vật gồm những ai? Theo Điều 6 Thông tư 173/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện về quản lý, xử lý tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ, thành phần hội đồng xác định giá trị tang vật như sau: “Đối với tang vật vi phạm hành chính do người có thẩm quyền thuộc cơ quan cấp huyện và cấp xã ra quyết định tạm giữ thì người ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm làm chủ tịch hội đồng. Các thành viên bao gồm đại diện phòng tài chính - kế hoạch huyện hoặc cán bộ tài chính xã, đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan, đại diện bộ phận chuyên môn của cơ quan của người ra quyết định tạm giữ”. Động vật chưa qua kiểm dịch buộc phải kiểm dịch các loại bệnh dễ lây lan như lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả. Chi phí xét nghiệm ba loại bệnh trên khoảng 1,5 triệu đồng và chủ số động vật phải trả. Nếu xét nghiệm đạt, số động vật này được đưa về giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung. Sau đó chủ hàng mang đi phân phối. Nếu xét nghiệm không đạt, số động vật bị tiêu hủy ngay và chủ chịu thêm tiền tiêu hủy. Ông KHƯƠNG TRẦN PHÚC NGUYÊN, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM |