Lãnh đạo lực lượng đối lập Syria và hành trình ‘tái định vị’ bản thân

(PLO)- Thủ lĩnh tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - ông Abu Mohammad al-Jolani là nhân vật chủ chốt trong chiến thắng của lực lượng đối lập Syria trước chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Ông al-Jolani là ai và điều gì thúc đẩy chiến thắng của ông?

Ngày 9-12, Thủ tướng Syria Mohammed Ghazi al-Jalali đồng ý chuyển giao quyền lực cho liên minh các lực lượng đối lập Syria do tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.

Sự kiện mở ra trang mới cho lịch sử Syria, khiến dư luận dồn sự chú ý vào HTS cũng như lãnh đạo nhóm này - ông Abu Mohammad al-Jolani.

Phát biểu sau khi tiến về thủ đô Damascus, ông al-Jolani tuyên bố “Syria đã được thanh tẩy” và bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực.

Vậy ông al-Jolani là ai và làm thế nào nhân vật này trở thành nhà lãnh đạo thực tế của hơn 23 triệu người Syria chỉ sau một chiến dịch chớp nhoáng?

Xuất thân và hành trình bước vào con đường thánh chiến

Ông Abu Mohammad al-Jolani tên thật là Ahmed al-Sharaa, sinh năm 1982 tại Mazzeh - một khu vực thượng lưu ở thủ đô Damascus (Syria).

Ông al-Jolani xuất thân từ một gia đình khá giả, nhưng bước ngoặt cuộc đời đến sau sự kiện khủng bố 11-9-2001 tại Mỹ. Khi đó, thanh niên al-Jolani bị tư tưởng thánh chiến thu hút và tham gia các buổi thuyết giảng bí mật tại những khu dân cư nghèo khó ở Damascus.

Lãnh đạo tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) và liên minh các lực lượng đối lập Syria - ông Abu Mohammad al-Jolani phát biểu tại thủ đô Damascus (Syria) sau khi lực lượng đối lập Syria lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Ảnh: AFP

“Chính vì sự ngưỡng mộ đối với những kẻ tấn công ngày 11-9 mà những dấu hiệu đầu tiên của chủ nghĩa thánh chiến bắt đầu xuất hiện trong cuộc sống của ông al-Jolani. Người này bắt đầu tham dự các bài giảng bí mật và các cuộc thảo luận nhóm ở vùng ngoại ô xa xôi của Damascus” - theo trang tin tức Middle East Eye.

Năm 2003, ông al-Jolani rời Syria để đến Iraq tham gia cuộc chiến chống Mỹ. Nhân vật này gia nhập tổ chức khủng bố al-Qaeda tại Iraq dưới sự lãnh đạo của lãnh đạo Abu Musab al-Zarqawi - người sau này trở thành lãnh đạo của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ông al-Jolani sau đó bị quân đội Mỹ bắt giam trong vòng 5 năm.

Năm 2011, khi cuộc nổi dậy chống Tổng thống al-Assad bùng nổ tại Syria, ông al-Jolani trở về nước và thành lập Mặt trận al-Nusra - nhánh chính thức của al-Qaeda tại Syria. Năm 2013, ông al-Jolani từ chối thề trung thành với ông Abu Bakr al-Baghdadi, và thay vào đó cam kết trung thành với ông Ayman al-Zawahiri - lãnh đạo tối cao của al-Qaeda. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh giữa al-Nusra và IS trong chiến trường Syria.

Năm 2017, ông al-Jolani tuyên bố cắt đứt quan hệ với al-Qaeda và tái cấu trúc al-Nusra thành HTS. Đây được xem là nỗ lực nhằm tránh các cuộc tấn công từ phương Tây vào lực lượng đối lập Syria và tạo dựng hình ảnh ôn hòa hơn.

Lãnh đạo tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - ông Abu Mohammad al-Jolani phát biểu tại thủ đô Damascus (Syria) sau khi lực lượng đối lập Syria lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Ảnh: AFP

Tạo dựng hình ảnh ôn hoà, tái định vị bản thân

Với nguồn gốc từ các phong trào Hồi giáo cực đoan, HTS vẫn bị phương Tây chỉ định là một nhóm khủng bố toàn cầu. Năm 2018, Mỹ treo thưởng 10 triệu USD cho ai tiết lộ thông tin vị trí của ông al-Jolani.

Từ đó đến nay, lãnh đạo HTS đã tìm cách xây dựng lại vị thế cá nhân của ông cũng như HTS, đồng thời tách khỏi mối liên hệ với al-Qaeda.

Trả lời phỏng vấn của đài CNN hôm 5-12, lời lẽ của ông al-Jolani hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố cứng rắn trước đó.

Không giống như cuộc phỏng vấn đầu tiên trên truyền hình vào năm 2013, khi ông bày tỏ sự ủng hộ đối với các mục tiêu cực đoan của al-Qaeda tại Syria, trong cuộc phỏng vấn hôm 5-12, ông al-Jolani nói rằng nếu lực lượng của ông thành công, “Syria sẽ chuyển sang trạng thái có chính quyền, có thể chế”.

Vị lãnh đạo cũng nói rằng ông đã trưởng thành hơn so với thời chiến tranh Iraq cách đây hai thập niên: “Một người ở độ tuổi đôi mươi sẽ có tính cách khác với người ở độ tuổi 30 hoặc 40”.

Trong các chiến dịch gần đây của lực lượng đối lập Syria, ông al-Jolani đã công khai thay đổi phong cách lãnh đạo. Từng ẩn mình trong bóng tối với hình ảnh đội khăn trùm đầu truyền thống, ông giờ đây xuất hiện trước công chúng trong trang phục quân sự hiện đại.

Ông al-Jolani cũng bắt đầu ký các tuyên bố bằng tên thật Ahmed al-Sharaa như một cách tái định vị bản thân. Khi đến thăm Aleppo sau khi HTS kiểm soát TP này, ông al- Jolani đã trấn an cộng đồng Thiên Chúa giáo và các nhóm thiểu số khác, khẳng định họ sẽ không bị đe dọa dưới sự lãnh đạo của HTS.

“Không ai có quyền xóa bỏ một cộng đồng. Những nhóm sắc tộc và tôn giáo đã chung sống hàng trăm năm qua, và không ai có quyền loại bỏ họ” - ông al-Jolani nói.

Sự xuất hiện của ông al-Jolani tại Aleppo cũng được chuẩn bị kỹ càng. “Ông al-Jolani biết cách tận dụng những khoảnh khắc mang tính biểu tượng để củng cố hình ảnh lãnh đạo chính trị. Việc xuất hiện tại Aleppo mà không vũ khí là cách ông ấy phát đi thông điệp về hòa bình và ổn định” - TS Aaron Y. Zelin tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông nhận định với tờ The Washington Post.

Tương lai của HTS và Syria

Ngày 27-11, lãnh đạo al-Jolani phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn, nhanh chóng chiếm các thành phố chiến lược như Aleppo, Hama, Homs, và cuối cùng là Damascus. Chiến thắng của phe đối lập Syria đã đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống al-Assad sau hơn một thập niên nội chiến.

Dưới sự lãnh đạo của ông al-Jolani, HTS đã trở thành một lực lượng quân sự đáng gờm, với khả năng tự sản xuất vũ khí. “Sự mở rộng lực lượng và sản xuất vũ khí quy mô lớn đã tạo ra một lực lượng mà chính quyền ông al-Assad thực sự chật vật để đối phó, chứ chưa nói đến việc vượt qua” - theo ông Charles Lister, Giám đốc chương trình Syria tại Viện Trung Đông.

Tuy đạt được thắng lợi quân sự, ông al-Jolani và HTS đang đối mặt với những thách thức khổng lồ trong việc tái thiết đất nước và giành được sự công nhận quốc tế.

“Syria đang đứng trước những thách thức mang tính lịch sử. Việc chuyển đổi từ một tổ chức nổi dậy thành chính quyền hợp pháp sẽ không dễ dàng, đặc biệt là với quá khứ của HTS” - ông Burcu Ozcelik, chuyên gia tại Viện Hoàng gia Anh, nêu quan điểm.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi lớn nhất là mối quan hệ của HTS với cộng đồng khủng bố quốc tế. Mỹ và một số đồng minh phương Tây vẫn xếp HTS vào danh sách khủng bố, trong khi Đức và Anh đang cân nhắc gỡ bỏ, tùy thuộc vào cách tổ chức này đối xử với các nhóm thiểu số và dân thường.

Trong một nỗ lực xây dựng lòng tin, HTS tuyên bố sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát kho vũ khí hóa học của chính quyền ông al-Assad. Ông al-Jolani cũng cam kết không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt dưới bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới