Lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của Mỹ có thể đẩy Moscow xích lại gần Bắc Kinh

Nếu không thể bán dầu và khí đốt cho Mỹ, Nga sẽ chuyển về phương Đông và bán cho Trung Quốc. Quá trình chuyển đổi thị trường này đang được tiến hành. Theo tờ The Globe and Mail, có thể kết luận rằng cuộc chiến Nga-Ukraine mang nhiều lợi hơn là gây hại cho nền kinh tế Trung Quốc. 

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm làm từ dầu của Nga, Moscow lại càng có động lực để mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế của nước này với Trung Quốc.

Sai lầm của châu Âu

Các biện pháp “thắt thòng lọng kinh tế” Nga của phương Tây đang khiến giá dầu tăng vọt. Giá dầu tại London (Anh) đã tăng đến mức 131 USD/thùng, tăng 93% trong vòng một năm qua. 

Giá dầu rất có thể sẽ còn cao hơn nếu Mỹ và Anh là những quốc gia tiêu thụ dầu của Nga nhiều hơn. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết nước này chỉ nhập khẩu khoảng 3% dầu thô và 8% các sản phẩm dầu mỏ từ Nga trong năm 2021.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Châu Âu đã mắc phải sai lầm khi phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng nhập khẩu từ Nga, khiến họ hiện không thể tự chủ năng lượng. Đây cũng chính là lý do tại sao Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ý Mario Draghi, trong số các nhà lãnh đạo châu Âu khác, đã vận động miễn trừ năng lượng của Nga khỏi các lệnh trừng phạt của liên minh.

Dù EU hiện đang tìm mua khí đốt hóa lỏng của Mỹ và Qatar, tăng cường nỗ lực năng lượng tái tạo, xây dựng lại các lò phản ứng hạt nhân cũ, khởi động lò phản ứng mới, song nỗ lực tìm nguồn cung thay thế và tránh xa năng lượng Nga có thể sẽ mất rất nhiều năm mới hoàn thành.

Nga-Trung xích lại gần

Tuần trước, Bắc Kinh đã không lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào Ukraine bằng cách bỏ phiếu trắng tại cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ). Trung Quốc và Nga đã mở rộng quan hệ kinh tế của họ trong những năm gần đây, theo đó việc phương Tây áp các lệnh trừng phạt lên Nga sẽ chỉ khiến Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn.

Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, thương mại giữa hai nước đã tăng 36% trong năm ngoái, lên gần 147 tỉ USD. Thương mại song phương đã tăng đều đặn kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trung Quốc hiện là điểm đến xuất khẩu nông sản và năng lượng hàng đầu của Nga.

Bất kỳ loại dầu nào mà Nga không thể bán cho phương Tây cũng sẽ được Trung Quốc sẵn lòng mua lại vì dầu thô của Nga đang được giao dịch với mức chiết khấu cao trong những ngày gần đây. Bên cạnh đó, việc vận chuyển dầu lại khá linh hoạt khi các tàu chở dầu qua phương Tây có thể quay đầu lại và đi về phía Đông.

Khí đốt lại là chuyện khác. Việc vận chuyển khí đốt, vốn thông qua các đường ống dẫn, qua Trung Quốc không hề dễ dàng. Trung Quốc muốn mua thêm khí đốt của Nga nhưng lại bất khả kháng, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Nga không thể chuyển hướng dòng khí đốt thiết lập qua châu Âu sang Trung Quốc, vì các đường ống vận chuyển khí đốt từ vùng Viễn Đông qua châu Âu không đi qua Trung Quốc.

Theo thời gian, Nga sẽ mở rộng mạng lưới đường ống dẫn khí đốt sang Trung Quốc, song có thể sẽ mất nhiều năm. Trong khi đó, có vẻ như Nga sẽ tiếp tục xuất khẩu khí đốt sang châu Âu vì hiện châu Âu vẫn chưa thể tìm ra nguồn cung thay thế. Dù đã áp nhiều lệnh trừng phạt, nhưng có vẻ như châu Âu sẽ không thực hiện lệnh cấm vận đối với khí đốt của Nga.

Nga không chỉ sẽ bán nhiều dầu khí và các mặt hàng khác cho châu Âu, mà nước này còn nhập khẩu nhiều công nghệ của Trung Quốc hơn và sử dụng nguồn tài chính của Trung Quốc để đầu tư vào các dự án năng lượng của mình. 

Theo The Globe and Mail, đã có tin đồn rằng các công ty Trung Quốc có thể mua cổ phần trong các tập đoàn năng lượng của Nga đang bị các công ty phương Tây muốn từ bỏ. Một trong số đó là 20% cổ phần trong công ty dầu khí Rosneft do chính phủ Nga kiểm soát, mà công ty của BP của Anh muốn bán.

Hơn nữa, Trung Quốc và Nga giờ đây có thể sẽ tạo ra hệ thống thanh toán liên ngân hàng của riêng mình khi các ngân hàng Nga đang bị cấm tham gia hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Họ cũng sẽ cố gắng khiến tiền tệ của họ được chấp nhận ở nhiều nơi trên thế giới, một quá trình mất thời gian khá lâu do hiện đồng USD hoàn toàn chi phối các thỏa thuận thương mại quốc tế. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh phi đô la hóa các giao dịch quốc tế của họ.

Mỹ và châu Âu đang nỗ lực để cô lập và trừng phạt Nga vì hành động của họ đối với Ukraine. Tuy nhiên, khi làm như vậy, họ chỉ có thể đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, khiến Trung Quốc hưởng lợi nhiều hơn khi có được nguồn hàng giá rẻ và dồi dào của Nga. Đối phó với một Trung Quốc mạnh hơn có thể sẽ là vấn đề tiếp theo của chính quyền Washington.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm