Liệu mưa nhân tạo có thể giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ở Ấn Độ?

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng khó có thể giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm không khí ở Delhi (Ấn Độ) bằng mưa nhân tạo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình trạng ô nhiễm không khí ở vùng Lãnh thổ thủ đô quốc gia Delhi (Ấn Độ) đang ở mức đáng báo động.

Tuần trước, người đứng đầu cơ quan môi trường bang Delhi cho biết chính quyền bang đang xem xét việc gieo “hạt giống mưa” lên các đám mây để gây ra mưa nhân tạo, giúp giảm tình trạng ô nhiễm không khí hiện tại.

Tuy nhiên, theo đài BBC, kế hoạch này cần phải có sự đồng ý của Tòa án Tối cao Ấn Độ và một số bộ liên quan. Nếu được thông qua, kế hoạch này dự kiến được triển khai vào cuối tháng 11, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết.

Mưa nhân tạo
Ô nhiễm không khí ở vùng Lãnh thổ thủ đô quốc gia Delhi (Ấn Độ). Nhà chức trách tại đây đang xin cấp phép làm mưa nhân tạo để giải quyết tình trạng ô nhiễm. Ảnh: GETTY IMAGES

Đây không phải là lần đầu tiên việc gieo “hạt giống mưa” lên các đám mây được đề xuất để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ở Delhi.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng làm mưa nhân tạo là một hoạt động phức tạp, tốn kém mà hiệu quả trong việc chống ô nhiễm chưa được chứng minh đầy đủ. Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ tác động lâu dài của việc tạo mưa nhân tạo tới môi trường.

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Delhi

Ô nhiễm không khí là vấn đề xảy ra quanh năm ở Delhi do lượng khí thải công nghiệp, xe cộ và lượng bụi trong không khí tăng cao. Trong mùa đông, nông dân ở các bang lân cận Delhi đốt gốc rạ, dẫn đến nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí cao hơn. Ngoài ra, tốc độ gió thấp trong mùa đông cũng khiến tình trạng ô nhiễm thêm trầm trọng.

Trong 2 tuần qua, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Delhi đã liên tục vượt mốc 450. Điều này có nghĩa là mức độ bụi mịn PM 2.5 tại Delhi cao gần gấp 10 lần mức giới hạn được khuyến nghị.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Delhi cũng khiến nhiều người dân gặp vấn đề sức khỏe, gây cản trở quá trình lưu thông của các phương tiện.

Gần đây, chính quyền Delhi đã thông báo các trường học nghỉ đông sớm và cấm hoạt động xây dựng để giảm tình trạng ô nhiễm không khí.

Cuối tuần qua, một cơn mưa nhỏ đã giúp Delhi phần nào trong lành hơn. Tuy nhiên, sang ngày 13-11, tình trạng ô nhiễm không khí ở Delhi tiếp tục tái diễn khi người dân đốt pháo để ăn mừng lễ hội Diwali - một lễ hội quan trọng của người theo đạo Hindu.

_131709862_gettyimages-1753033817.jpg.jpg
Xe phun nước là một trong những công cụ được dùng để giảm ô nhiễm không khí ở Delhi. Ảnh: GETTY IMAGES

Mưa nhân tạo là gì?

Gieo “hạt giống mưa” trên mây là kỹ thuật đẩy nhanh quá trình ngưng tụ hơi ẩm trong mây để tạo mưa. Đây là bước đầu để gây mưa nhân tạo.

Quá trình này được thực hiện bằng cách phun các phân tử muối như bạc iodide hoặc chloride lên các đám mây. Các nhân viên khí tượng sẽ dùng máy bay hoặc các thiết bị phân tán để phun các phân tử muối lên mây.

Các tinh thể muối này giúp tạo các tinh thể băng trong mây. Độ ẩm trong các đám mây sau đó bám vào những tinh thể băng này và ngưng tụ thành mưa nhân tạo.

Tuy nhiên, quá trình này không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Ông Polash Mukerjee - nhà nghiên cứu về chất lượng không khí và sức khỏe - cho biết để quá trình gây mưa nhân tạo đạt hiệu quả, điều kiện khí quyển phải hoàn toàn thuận lợi.

“Cần phải có đủ độ ẩm trong không khí và độ ẩm trong các đám mây để giúp các hạt băng hình thành” - ông Mukerjee nói.

Ông cũng cho biết các yếu tố phụ như tốc độ gió cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, theo ông Mukerjee, vào thời điểm mùa đông, tốc độ gió ở Delhi rất khó đoán định.

Trong khi đó, nhà khoa học thời tiết JR Kulkarni cho biết việc lựa chọn đám mây cũng rất quan trọng, bởi không phải loại mây nào cũng có thể hỗ trợ quá trình gây mưa nhân tạo.

Quá trình tạo mưa nhân tạo đã diễn ra trong nhiều thập niên.

Trên thực tế, tại Ấn Độ, nhà khí hậu học SK Banerji đã thử nghiệm quá trình gây mưa nhân tạo vào năm 1952. Ngoài ra, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và một số bang của Ấn Độ cũng đã thử nghiệm quy trình gây mưa nhân tạo để giải quyết tình trạng hạn hán.

Liệu mưa nhân tạo có thể giúp giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí?

Kế hoạch dùng mưa nhân tạo để giảm ô nhiễm không khí ở Delhi được các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Ấn Độ Kanpur đề xuất.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được chia thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu tiên sẽ tạo mưa nhân tạo cho khu vực có diện tích khoảng 300 km2. Các nhà khoa học khuyến nghị dự án nên được thực hiện vào ngày 20 và 21-11 vì điều kiện khí tượng vào thời điểm đó sẽ rất lý tưởng.

FHJRQ47TPVMYTECRBMSVEDI3IM.jpg
Máy bay gieo "hạt giống mây", giúp gây mưa nhân tạo ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, hồi tháng 8-2022. Ảnh: REUTERS

Các nhà khoa học cho rằng mưa có thể giúp rửa trôi các hạt vật chất trong khí quyển, làm cho không khí sạch và trong lành hơn. Theo BBC, điều này đã được chứng minh vào cuối tuần trước, khi mưa giúp giảm tình trạng ô nhiễm không khí ở Delhi.

Dù vậy, một số chuyên gia cho biết vẫn chưa có bằng xác thực cho thấy mưa nhân tạo sẽ giúp giảm ô nhiễm không khí.

Ông Mukerjee cho biết mưa nhân tạo đã được sử dụng để quản lý chất lượng không khí và ngăn chặn bụi tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, quá trình dùng mưa nhân tạo như trên chỉ diễn ra "theo từng giai đoạn".

"Nếu xét về tác động của lượng mưa đến chất lượng không khí, chúng ta thấy mưa sẽ ngay lập tức làm giảm mức độ ô nhiễm. Nhưng mức độ ô nhiễm sẽ ổn định và phục hồi trở lại trong vòng 48 đến 72 giờ. Tạo mưa nhân tạo rất tốn kém. Việc chuyển các nguồn tài nguyên khan hiếm sang một hoạt động không có mục đích rõ ràng và không có tác dụng lâu dài như thế này thực chất chỉ là giải pháp cầm chừng” - ông Mukerjee nói.

Ông Mukerjee cũng đề nghị việc sử dụng mưa nhân tạo nên được cân nhắc và thảo luận kỹ.

"Gây mưa nhân tạo không thể là một quyết định tức thời. Bạn phải có sẵn một loạt quy trình và một nhóm đa ngành thực hiện chúng. Nhóm này bao gồm các nhà khí tượng học, chuyên gia chính sách chất lượng không khí, nhà dịch tễ học…”, theo ông Mukerjee.

Trong khi đó, một số chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại về tác động của quá trình làm mưa nhân tạo.

Ông Abinash Mohanty - chuyên gia về biến đổi khí hậu và bền vững - cho rằng: “Chúng ta không biết tác dụng của mưa nhân tạo là gì. Suy cho cùng, bạn đang cố gắng thay đổi các quá trình tự nhiên và điều đó chắc chắn sẽ có những hạn chế”.

Theo ông Mohanty, không thể giải quyết ô nhiễm không khí ở Delhi chỉ bằng cách sử dụng "các biến số khí tượng như lượng mưa và tốc độ gió".

“Chúng ta cần nỗ lực phối hợp nhiều hơn để hạn chế ô nhiễm không khí, hơn là các thí nghiệm như thế này” - ông Mohathy nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm