Muốn mua chiếc điện thoại Nokia 2730 hỗ trợ 3G, giá tầm hai triệu đồng, nhưng ông Trường Huy (Q.3, TP.HCM) đi từ cửa hàng của Thế giới Di động cho đến Viễn Thông A, đều được nhân viên bán hàng thông báo hết hàng và chưa rõ thời gian hàng mới về. Theo ông Huy, có thể vì giá rẻ nhưng cũng có thể là nhà phân phối găm hàng để tăng giá. Được biết, hệ thống bán lẻ Viễn Thông A đã hết mẫu này, còn Thế giới Di động chỉ còn ba chiếc.
Bà Mai Trinh (phòng kinh doanh của Thế giới Di động) cho biết, việc các nhà khai thác mạng di động công bố mạng 3G chưa tác động mạnh đến thị trường thiết bị đầu cuối. Từ tháng 9 cho đến nay, số lượng điện thoại 3G tiêu thụ thay đổi không nhiều. Bà Hoàng Ngọc Vy, giám đốc Viễn Thông A giải thích thêm, điện thoại 3G vẫn còn “đầy ắp hàng” với thị phần không đổi. Theo bà Vy, chiếc máy ông Huy muốn mua là mẫu mới, nên nhà phân phối nhập số lượng vừa phải để thăm dò thị trường. Bà Vy xác nhận, không có hiện tượng găm hàng để “làm giá” như khách hàng đặt vấn đề.
Từ tháng 9, giá linh kiện và thiết bị ngoại vi máy tính như RAM, máy in, màn hình LCD, USB đua nhau tăng giá tới 30%. Riêng mặt hàng RAM tăng giá gần gấp đôi (không phân biệt dung lượng) so với hồi tháng 8. Cá biệt, một số mẫu máy in laser của HP không còn hàng. Trước nguy cơ bị đối tác phạt vì giao hàng không đúng hạn đã ghi trong hợp đồng, giám đốc một doanh nghiệp tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho biết, các nhà phân phối giải thích là do hàng đang trên đường về. Do hợp đồng có nêu quy cách, nhãn hiệu, nên ông này không thể giao các loại máy in khác đang có ở kho.
Các nhà bán lẻ linh kiện và thiết bị ngoại vi máy tính cho rằng, xu hướng giá như hiện nay sẽ được duy trì cho đến cuối năm. Phía nhà phân phối giải thích, các nhà sản xuất xác lập mặt bằng giá mới trên những sản phẩm đã được nâng cấp về tính năng. Ông Lê Hoàng Sơn, đại diện hãng Kingston tại Việt Nam nói, hiện nhà sản xuất đã không còn sản xuất RAM DDR2 nên giá dòng sản phẩm này tăng. Bà Thư (HP Việt Nam) giải thích rằng, không chỉ Việt Nam thiếu hàng mà tại nhiều quốc gia cũng đang rơi vào tình trạng này do nhà sản xuất đã xây dựng kế hoạch sản xuất đúng với kịch bản “khủng hoảng kinh tế”.
Theo ông Nguyễn Cảnh Hiền (Bách Khoa Computer, TP.HCM), ngoài những lý do trên, hiện tượng khan hàng còn có lý do: nhà sản xuất linh kiện xây dựng phiên bản mới cho sản phẩm nên ưu tiên cho các đối tác sản xuất với số lượng đơn hàng lớn, không thể đáp ứng kịp thời cho những thị trường bán lẻ như Việt Nam. Theo số liệu của bộ Công thương, trong tháng 7, lượng màn hình LCD nhập khẩu là hơn 72.600 chiếc, giảm 15,6% so với tháng trước. Máy tính xách tay nhập về hơn 50.000 chiếc, giảm 12,6% so với tháng trước. Theo các nhà phân phối, tỷ lệ giảm là do nhà sản xuất không đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu trong nước.
Theo Gia Vinh (SGTT)