BLHS năm 2015 đã bỏ dấu hiệu bỏ trốn ra khỏi cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175). Bởi lẽ theo cơ quan soạn thảo, việc tổng kết thực tiễn thi hành BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cho thấy nhiều trường hợp không thể xử lý hình sự được người phạm tội vì không chứng minh được dấu hiệu bỏ trốn. Hơn nữa, theo quy định của Luật Cư trú 2006, người dân có quyền tạm trú ở bất cứ đâu.
Lo vỡ tín dụng đen: Khôi phục dấu hiệu bỏ trốn
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015, VSKND Tối cao và Bộ Công an đã kiến nghị bổ sung hành vi bỏ trốn để bao quát hết các trường hợp xảy ra trong thực tiễn.
Tại cuộc họp ban soạn thảo BLHS ngày 8-8, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn cho biết sau khi BLHS 2015 được Quốc hội thông qua, cơ quan tố tụng các địa phương băn khoăn về việc trước đây bắt rất nhiều trường hợp vì có dấu hiệu bỏ trốn, BLHS 2015 lại bỏ dấu hiệu này thì có thả họ ra không? Khoản vay chưa đến thời hạn phải trả nhưng đương sự ôm tiền bỏ trốn thì có bắt, có xử được không? Đây là những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng liên ngành công an - kiểm sát - tòa án không biết trả lời sao.
Dẫn chứng tình hình vỡ tín dụng đen ở nông thôn đang diễn ra khá căng thẳng, Đại tá Đoàn Tất Kỉnh (Phó Cục trưởng Cục C44 - Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an) cũng đề nghị khôi phục dấu hiệu bỏ trốn. “Ngay cả khi không có yếu tố gian dối nhưng có yếu tố bỏ trốn là đã cấu thành tội phạm rồi” - ông Kỉnh nói.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 mới nhất đã bổ sung yếu tố “bỏ trốn” vào cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như quy định của BLHS hiện hành nhằm “tạo thêm cơ sở pháp lý để ngăn chặn sớm việc người phạm tội bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản, gây khó khăn cho việc xử lý vụ án, nhất là vấn đề hoàn trả tài sản cho người bị hại”.
Mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự việc gây ô nhiễm môi trường đang gây tranh luận. Trong ảnh: Chất thải độc hại của Formosa chôn trong trang trại gia đình giám đốc Công ty Môi trường đô thị TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ảnh: TTXVN
Gây ô nhiễm môi trường, định lượng bao nhiêu thì khởi tố?
Khoản 1 Điều 235 BLHS 2015 quy định các mức định lượng cụ thể đối với hành vi chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn, chất thải nguy hại, nước thải, chất phóng xạ… ra môi trường để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS). Tuy nhiên, sau khi BLHS 2015 được ban hành, quy định này đã gây nhiều tranh luận.
Có quan điểm cho rằng vấn đề này đã được thảo luận kỹ trong quá trình xây dựng BLHS 2015, đặc biệt đã xin ý kiến các bộ, ngành hữu quan (Bộ TN&MT, Bộ Công an…). Hơn nữa, đây là vấn đề về chính sách hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua nên đề nghị giữ nguyên như quy định của BLHS 2015.
Quan điểm khác lại cho rằng các mức định lượng quy định tại khoản 1 Điều 235 BLHS 2015 làm căn cứ truy cứu TNHS là quá cao, dẫn tới thực tế khó xử lý hình sự. Do vậy, dự thảo cần hạ thấp các mức định lượng cho phù hợp với thực tiễn xử lý vi phạm. Là người theo quan điểm này. Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định BLHS mới đây, Đại tá Đoàn Tất Kỉnh bức xúc: “Chỉ cần xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải hai, ba lần là cá đã chết hàng loạt. Nếu quy định như dự thảo thì phải gấp từ 10 lần trở lên mới xử lý hình sự được, cá còn chết đến đâu!”.
Thực tế cho thấy có những vụ gây ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng như Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải, Tung Kuang (Hải Dương) xả thải… nhưng chúng ta chưa truy cứu TNHS được vì bất cập về quy định. Chẳng hạn BLHS trước 2015 không đặt vấn đề truy cứu TNHS pháp nhân. Nếu đặt vấn đề truy cứu TNHS đối với cá nhân thì người này phải “đã bị xử phạt hành chính”. Trong khi quyết định xử phạt hành chính trong những trường hợp trên chỉ áp dụng đối với pháp nhân.
BLHS 2015 đã quy định TNHS đối với pháp nhân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quan ngại nếu mức định lượng làm căn cứ truy cứu TNHS không được hạ xuống thì chúng ta sẽ tiếp tục không xử lý hình sự được một vụ gây ô nhiễm môi trường nào cả.
Tội gây ô nhiễm môi trường Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 3.000 kg đến dưới 5.000 kg; b) Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên; c) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ hai lần đến dưới bốn lần; d) Xả ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14; đ) Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên; e) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 200.000 kg đến dưới 500.000 kg; g) Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép; h) Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ hai lần đến dưới bốn lần. (Theo khoản 1 Điều 235 BLHS 2015) Định lượng: Yếu tố gây tranh cãi Luật các nước muốn “sống” lâu dài phải định tính và đề cao trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Chúng ta thì ngược lại, biến các cơ quan tố tụng thành các cỗ máy. Như vậy, luật sẽ rất chóng lạc hậu bởi định lượng hôm nay thế là to nhưng ngày mai lại thành nhỏ. Chính yếu tố định lượng đã gây ra nhiều tranh cãi. Giờ quy định 100 triệu đồng là mức định lượng làm căn cứ truy cứu TNHS, vậy ông vi phạm 100 triệu đồng bị xử lý hình sự, ông vi phạm 99 triệu đồng thoát, thế là bất công rồi. Trong khi đó, lẽ ra cần căn cứ vào tính chất nguy hiểm của hành vi, còn mức định lượng càng lớn là tình tiết tăng nặng. Ông HOÀNG THẾ LIÊN, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp |