Lo ngại chất lượng hàng trong siêu thị: Đánh đố với “đát”

Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ lùm xùm về chất lượng hàng hóa trong siêu thị. Gần nhất là vụ thịt heo nghi ngờ bị bệnh tại Siêu thị Big C. Trước đó tại một siêu thị ở Hà Nội cũng đã bán nấm không rõ nguồn gốc… Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại liệu hàng hóa tại siêu thị ngày càng không an toàn.

Mập mờ hạn sử dụng

Những rủi ro mà người tiêu dùng gặp phải khi mua hàng hóa kém chất lượng đã chỉ ra những lỗ hổng trong quá trình quản lý của siêu thị tưởng chừng đã rất chặt chẽ.

Đơn cử như các loại thực phẩm, nhất là với các loại chế biến sẵn thì vấn đề thời hạn sử dụng rất đáng được quan tâm. Ghi nhận tại một số siêu thị cho thấy với khu vực thực phẩm thì các loại sơ chế sẵn như cá kho, thịt ba rọi ướp, khổ qua nhồi thịt… trên tem có in ngày đóng gói, ngày hết hạn. Tuy nhiên, có sản phẩm chỉ ghi ngày đóng gói (ví dụ 12-3), rồi mặt sau ghi: “Hạn sử dụng một ngày”. Ghi kiểu này không biết là sử dụng trong một ngày là ngày 12-3 hay là ngày 14. Đúng là đánh đố người tiêu dùng! Hay với một số loại thực phẩm rau quả, nhiều loại không ghi tên đơn vị cung cấp mà chỉ để trọng lượng, giá cả, xuất xứ từ Việt Nam.

Mới đây, chị T. ghé một siêu thị để mua sắm thực phẩm chế biến sẵn. Trong số đó có món canh bí đỏ được chế biến để dùng trong ngày. Tuy nhiên, chỉ mới trong thời gian từ siêu thị về đến nhà mà khi mở ra, chị T. phát hiện canh đã ôi, không thể dùng được!

 

Việc kiểm soát không chặt chẽ trong kinh doanh thực phẩm tại siêu thị khiến người tiêu dùng lãnh đủ. Ảnh: HTD

Gặp chị Lê T.H. (Tân Phú) khách hàng đang ở quầy sơ chế sẵn tại một siêu thị, chị nói bây giờ mua hàng trong siêu thị cũng phải xem kỹ bao bì hạn sử dụng. “Những nhãn hàng hóa trong siêu thị dán lỏng lẻo thì đáng nghi lắm! Có khi nào hàng hết hạn sử dụng rồi người ta gỡ ra dán lại cho hôm sau?!” - chị T. lo ngại.

Cùng suy nghĩ trên, chị Nguyễn Hải Yến (Tân Bình) cho hay trước giờ chị luôn tin tưởng khi mua hàng ở siêu thị hơn chứ ở chợ thì hên xui. Gần đây nghe nói siêu thị mà bán nấm không rõ nguồn gốc hay thịt heo bị bệnh thì cũng lo. Dẫu vậy, nếu không mua ở siêu thị thì biết mua ở đâu?

Bàn ủi phát nổ

Không chỉ với các loại thực phẩm, các siêu thị bán hàng công nghệ cũng bán nhiều sản phẩm có vấn đề về chất lượng.

Chị NHD (Thủ Đức) kể cách đây không lâu chị vào siêu thị điện máy mua một chiếc bàn ủi hiệu Blacker giá khoảng 89.000 đồng. Sử dụng được vài tháng trong một lần đang ủi quần áo, chiếc bàn ủi bỗng dưng phát nổ. Mặc dù khi mua hàng có phiếu bảo hành nhưng thấy tan tành sợ quá nên chị D. không mang đến siêu thị thực hiện các yêu cầu của mình.

Còn anh T. thì lâm cảnh tù mù trước hàng hóa không biết có đảm bảo an toàn chất lượng không. Đó là chiếc máy đun nước siêu tốc hiệu Kangaroo giá chỉ hơn 100.000 đồng nhưng khuyến mãi thì giảm đến một nửa. Thấy rẻ anh mua nhưng dùng không được bao lâu thì máy liên tục bị trục trặc.

Máy sấy tóc dùng vài lần thì chỗ tay cầm nhựa chảy ra dính vào tay là trường hợp mà chị H. (Gò Vấp) gặp phải. Chị mua hàng tại Siêu thị C., giá giảm 50% còn chỉ hơn 100.000 đồng. Do là hàng khuyến mãi không có bảo hành nên khi trục trặc chị đành chịu thua.

Một chuyên gia trong ngành điện máy cho biết ngoài một vài thương hiệu đã được công bố chất lượng toàn cầu thì trên thế giới có những thương hiệu lớn cũng đặt hàng gia công từ Trung Quốc theo tiêu chuẩn chất lượng tương xứng với thương hiệu của họ. Hiện ở Việt Nam có vài thương hiệu cũng được các doanh nghiệp đặt hàng từ Trung Quốc. Đây là những sản phẩm nhập khẩu chính ngạch từ Trung Quốc. Vấn đề ở đây không phải cứ hàng Trung Quốc là dỏm, mà nó tùy theo yêu cầu đặt hàng của nhà nhập khẩu Việt Nam. Doanh nghiệp đặt hàng chất lượng thì nhà sản xuất sẽ cung cấp hàng chất lượng. Còn doanh nghiệp muốn đặt hàng giá rẻ thì đương nhiên họ cũng cung cấp hàng chất lượng bèo.

TÚ UYÊN

 

Siêu thị không thể kiểm soát hết

Nguyên nhân dẫn đến hàng kém chất lượng có thể lọt vào siêu thị là bản thân các nhà cung cấp cho siêu thị không kiểm soát hết 100% sản phẩm đầu vào. Thứ hai là trường hợp nhà cung cấp là đơn vị trung gian làm dịch vụ phân phối thì họ đi lấy hàng từ các nơi khác hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Khi đã qua công đoạn trung gian như vậy thì họ không đủ năng lực kiểm soát chất lượng 100%. Thứ ba nữa là do nhân viên giao bán hàng vì lợi ích riêng có thể mua hàng ngoài trà trộn vào thì siêu thị cũng khó mà biết được.

Ông HỒ MINH CHÍNH, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bán hàng chuyên nghiệp KAS

Chỉ được khuyến cáo một chế độ bảo quản

Theo nguyên tắc ghi nhãn hàng hóa thì nhà sản xuất phải ghi rõ hướng dẫn bảo quản cho người tiêu dùng và nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm trong thời hạn sử dụng mà mình khuyến cáo. Nếu người tiêu dùng bảo quản đúng cách mà phát hiện sản phẩm bị mất an toàn thì có quyền khiếu nại nhà sản xuất. Cũng theo quy định, nhà sản xuất chỉ được khuyến cáo một chế độ bảo quản mà mình cho rằng tốt nhất với sản phẩm. 

ThS TRẦN TRỌNG VŨ, giảng viên khoa Công nghệ thực phẩm ĐH Công nghệ Sài Gòn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm