Mới đây, sách xanh do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) công bố cho biết trong năm 2022, Bắc Kinh đã gia tăng hoạt động giám sát bằng vệ tinh đối với các đảo và vùng biển ở biển Hoa Đông và Biển Đông, tờ South China Morning Post đưa tin hôm 20-1.
Một tàu Hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: AP |
Cụ thể, sách xanh chỉ rõ Trung Quốc đã tăng cường sử dụng công nghệ viễn thám để giám sát quần đảo Senkaku - hiện do Nhật quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, cũng như bãi cạn Scarborough nơi Philippines tuyên bố chủ quyền, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, cũng như các vùng nước xung quanh ở Biển Đông.
Theo sách xanh, Trung Quốc đã “xây dựng năng lực về viễn thám” ở các khu vực nói trên. Bên cạnh đó, sách xanh cho biết chương trình vệ tinh được Bắc Kinh tăng cường để cung cấp dữ liệu quan trọng cho cái gọi là “quản lý và điều hành” các vùng biển và đảo nói trên, cũng như cho cái mà nước này gọi “các đảo có mục đích đặc biệt”.
CASC cũng cho biết hàng loạt vệ tinh của tập đoàn này đã tạo thành năng lực quan sát tần số cao và liên tục với phạm vi phủ sóng toàn cầu. Theo CASC, việc này đã được áp dụng trong công tác quản lý biển đảo, điều tra, giám sát tài nguyên biển.
Các vệ tinh trên cũng đang được sử dụng để quan sát động lực học đại dương, sự thay đổi màu sắc và hoạt động của nó cũng như để theo dõi, dự báo môi trường và hệ sinh thái biển, theo sách xanh.
CASC nhà thầu chính cho chương trình không gian của Trung Quốc.