Lo thịt, cá, trứng, sữa... tăng giá rất mạnh

(PLO)- Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương xuống 0% vì hai năm qua giá mặt hàng này tăng liên tục 60%-70%, đã tác động trực tiếp tới giá thành chăn nuôi tại Việt Nam làm tăng giá thịt, cá, trứng, sữa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai (gọi tắt là Hiệp hội) - thủ phủ chăn nuôi của Việt Nam vừa có công văn gửi Chính phủ, Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi Việt Nam.

Giá nguyên liệu đầu vào đang tăng, người chăn nuôi bán ra thấp

Theo Hiệp hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định 101 trong đó điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với lúa mì từ 3% xuống 0%; ngô từ 5% xuống còn 2%.

Tuy nhiên, thuế nhập khẩu đối với khô đậu tương vẫn giữ nguyên 2%, trong khi đây là mặt hàng có giá nhập khẩu cao nhất và là nguyên liệu chính để sản xuất cho cám heo và thuỷ sản. Điều này gây áp lực rất lớn lên chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN), là nguyên liệu đầu vào của ngành chăn nuôi.

Người tiêu dùng, ngành chăn nuôi và sản xuất TACN đang đứng trước nguy cơ giảm mạnh về sản lượng, về tổng đàn vật nuôi. Năm 2023 dự báo tổng đàn vật nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản Việt Nam giảm rất mạnh

Với những khó khăn cấp bách như trên, Hiệp hội cho rằng nếu không có những tháo gỡ kịp thời trong giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương cho các doanh nghiệp, giá thịt, cá, trứng, sữa sẽ tăng rất mạnh do khan hiếm nguồn cung trong nước.

Trứng gà, trứng vịt...đang bày bán ở chợ. ẢNH: TÚ UYÊN

Trứng gà, trứng vịt...đang bày bán ở chợ. ẢNH: TÚ UYÊN

Cụ thể, giá nguyên liệu đầu vào đang tăng cao trong sản xuất TACN công nghiệp, nguyên liệu chiếm khoảng 85% - 90% giá thành. Do đó, giá TACN dễ bị tác động dây chuyền khi nguồn cung nguyên liệu biến động tăng dẫn đến rủi ro cao và sản phẩm chăn nuôi trở nên đắt đỏ.

Bình quân năm 2022, giá các loại nguyên liệu TACN tăng 10%-27% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu như ngô hạt, khô đậu tương.

Tuy nhiên, giá thành tiêu thụ trong nước rất thấp. Đối với thịt heo hiện nay giá heo giảm mạnh về 45.000-47.000 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất lên tới 54.000-55.000 đồng/kg.

Tính ra, một con heo xuất chuồng các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã lỗ gần 1.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, giá gà, vịt, trứng, thuỷ sản cũng thấp hơn nhiều so với giá thành chăn nuôi. Vì vậy, sẽ có rất nhiều hộ chăn nuôi phải “đóng chuồng, đóng ao” do đang thua lỗ triền miên, không có khả năng tái đàn.

Giá thành chăn nuôi heo cao hơn giá bán ra, người chăn nuôi đang lỗ 1 triệu đồng/con. ẢNH minh hoa TÚ UYÊN

Giá thành chăn nuôi heo cao hơn giá bán ra, người chăn nuôi đang lỗ 1 triệu đồng/con. ẢNH minh hoa TÚ UYÊN

Giảm thuế khô đậu tương kiềm chế lạm phát

Theo Hiệp hội, hai năm qua giá khô đậu tương tăng liên tục 60%-70% và là nguyên liệu TACN có sản lượng nhập về Việt Nam đứng thứ 2, có kim ngạch rất lớn do giá nhập khẩu hơn ngô khoảng 70%.

Chưa kể, khô đậu tương là nguồn cung cấp đạm thực vật chính trong dinh dưỡng vật nuôi nên giá mặt hàng này tăng mạnh đã tác động trực tiếp tới giá thành chăn nuôi tại Việt Nam làm tăng giá thịt, cá, trứng, sữa.

Đây cũng là thành phần chính của thực phẩm, cấu phầu lớn nhất của rổ hàng hóa tính giá tiêu dùng. Do đó, giá nhập khẩu khô đậu tương cao ảnh một trong những yếu tố tác động lạm phát.

Trong bối cảnh Chính phủ triển khai nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát hiện đang chịu áp lực rất lớn từ FED liên tục tăng lãi suất, giá nhập khẩu nguyêu liệu năng lượng, kim loại, ngũ cốc... vẫn đang ở mức cao trong lịch sử.

Việc giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương 0% là một trong những phương án hiệu quả kiềm chế lạm phát.

Tránh phụ thuộc nhập khẩu TACN

Việt Nam là thị trường TACN hàng đầu Đông Nam Á, tiệm cận tốp 10 thế giới.

Giai đoạn 2018- 2022, tổng sản lượng đạt 21-22 triệu tấn/năm trong đó, khô đậu tương nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 về cả giá trị và sản lượng, hiện khoảng 5 triệu tấn/năm.

Do nguồn nguyên liệu nội địa hạn chế về sản lượng, chất lượng ngành TACN và chăn nuôi Việt Nam những năm tới khó tránh khỏi phụ thuộc nhập khẩu.

Để Việt Nam củng cố vị thế là một trong những nước sản xuất TACN hàng đầu, việc giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương không chỉ giúp doanh nghiệp chăn nuôi ổn định giá thành sản xuất mà giữ lợi thế cạnh tranh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm