Ít nhất năm quốc gia bày tỏ mong muốn mua xe tăng hiện đại T-14 Armata của Nga trong tương lai, tờ The National Interest cho biết.
Theo The National Interest, Ấn Độ là một trong các quốc gia có khả năng tìm cách nhập khẩu xe tăng T-14 Armata của Nga. Theo tờ báo Mỹ, các xe tăng của phương Tây như Leopard 2A7 và M1A2 Abrams không thích hợp địa hình ở Ấn Độ, trong khi xe tăng Arjun Mk. 2 do Ấn Độ sản xuất lại bị ảnh hưởng từ “tiếng xấu” của người tiền nhiệm.
Xe tăng T-14 Armata của Nga. Ảnh: SPUTNIK
Một cường quốc khác có thể mua xe tăng chiến đấu của Nga là Trung Quốc. Theo The National Interest, Trung Quốc có thể nhập khẩu Armata nhằm đánh giá chúng và trang bị thêm cho khí tài quân sự của nước này với mục đích chế tạo xe tăng có thể cạnh tranh với các xe tăng của Nga để xuất khẩu.
Ngoài các quốc gia châu Á, một số quốc gia Trung Đông và Bắc Phi cũng có hứng thú với xe tăng Armata, cụ thể là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Algeria và Ai Cập.
Bài báo của The National Interest nhấn mạnh mối quan hệ quốc phòng được củng cố giữa Nga và các quốc gia nói trên, lưu ý rằng đặc biệt là Ai Cập và UAE có thể chọn khí tài quân sự Nga thay vì xe tăng do phương Tây sản xuất.
Xe tăng hiện đại T-14 Armata lần đầu tiên được trình làng năm 2015. Đây là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới có tháp pháo không người lái, được điều khiển từ xa. Trong khi đó, tổ lái ba người ngồi trong một khoang được bọc giáp kiên cố phía trước, tách biệt hoàn toàn với tháp pháo và khoang chứa đạn, giúp tăng khả năng sống sót của tổ lái trước hỏa lực đối phương.
Vũ khí chính trên T-14 Armata là pháo nòng trơn 2A82-1M cỡ nòng 125 mm và một súng máy điều khiển từ xa cỡ nòng 7.62 mm.