Trong tuần qua, ở hai địa phương xảy ra hai sự kiện trong ngành công an tạo sự quan tâm đặc biệt trong dư luận: 1) chín CSGT ở huyện Cái Bè, Tiền Giang có hành vi và liên quan đến hành vi mãi lộ bị kỷ luật, chuyển khỏi lực lượng; 2) ở TP.HCM, bảy công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú bị bắt vì nhận tiền để tha bổng cho tội phạm.
Cũng mới đây, tòa đã kết án một cựu công an phường ở quận Bình Thạnh vì có hành vi chặn xe một sinh viên rồi mang về phường để “làm luật”.
Những công an nói trên đều có chung hành vi là nhận (và dọa, o ép) để nhận tiền của người vi phạm (cả không vi phạm) rồi làm sai chức trách, nhiệm vụ được pháp luật và xã hội giao phó.
Cựu thiếu úy công an phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM Phạm Thái Vinh bị TAND TP.HCM xử phạt 18 tháng tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Ảnh: HOÀNG YẾN
Thực tế có một số người trong ngành công an bị cơ quan điều tra của VKSND Tối cao khởi tố vì lạm quyền, bảo kê… cho tội phạm, trong đó có cả những cán bộ cấp cao. Tuy nhiên, trong những sự việc vừa nêu trên, chính ngành công an sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, người dân và các nguồn khác đã tự xác minh, xử lý. Điều này đã hiện thực hóa thông điệp của Đảng, Nhà nước và của chính người đứng đầu ngành công an: “Làm trong sạch đội ngũ, xử lý nghiêm các trường hợp bảo kê, “chống lưng” cho tội phạm”.
Hiến pháp 2013 đã ghi rõ: Công an nhân dân là nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Và điều này cũng được thống nhất nhắc lại ở Luật Công an nhân dân và hàng loạt văn bản dưới luật khác.
Nói không quá khi khẳng định rằng sự trung thành, trong sạch của (quân đội và) công an liên quan đến sự sống còn của đất nước. Vì vậy mà xã hội, công luận luôn quan tâm, chú ý đặc biệt đến lực lượng nòng cốt này.
Những công an, cựu công an bị xử lý, kỷ luật chỉ dừng ở các vi phạm trong lĩnh vực trật tự xã hội - lĩnh vực mà chính họ là người phải giữ gìn, bảo vệ. Tuy nhiên, quan trọng hơn, qua đó họ đã vi phạm vào năm Lời thề danh dự của Công an nhân dân.
Thật đáng sợ và nguy hiểm khi những người thực thi pháp luật lại bao che cho kẻ tàng trữ ma túy, loại tội phạm gây hàng loạt hệ lụy xấu cho xã hội, trong khi hằng năm, máu của các chiến sĩ công an trên mặt trận phòng, chống ma túy vẫn đổ để ngăn chặn loại tội phạm này.
Thật đáng sợ khi rất nhiều gương công an đã anh dũng hy sinh để bảo vệ sự bình yên cho nhân dân thì có một số người trong ngành lại phản bội lời thề danh dự của ngành mình…
Từ phản ánh của báo Pháp Luật TP.HCM, Công an TP.HCM đã nhanh chóng vào cuộc xử lý cựu thiếu úy công an phường 17, quận Bình Thạnh Phạm Thái Vinh cùng Nguyễn Hoàng Minh (bảo vệ dân phố) do cả hai đã cưỡng đoạt tài sản của một sinh viên. Ảnh: HOÀNG YẾN
Tuần qua, trên diễn đàn Quốc hội, khi trả lời chất vấn về hiện tượng tiêu cực trong ngành công an, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định rằng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp là cán bộ, đảng viên công an nhân dân vi phạm chuẩn mực đạo đức, pháp luật… Bộ trưởng cam kết sẽ không bao che, né tránh và tiếp tục giáo dục trong toàn lực lượng với quan điểm “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhắn nhủ đến cử tri cả nước là nếu phát hiện ra những công an có tiêu cực, vi phạm thì trao đổi với Bộ Công an ở mọi cấp; Bộ Công an sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin đó và xử lý kịp thời.
Thực ra thì ngành nghề nào cũng có người sai phạm, đặc biệt là với những cán bộ gần dân nhưng đó chỉ là những cá nhân đơn lẻ làm ảnh hưởng uy tín của ngành. Tuy nhiên, với ngành công an thì, như đã nói, dư luận luôn đặc biệt chú ý.
Bộ Công an, công an các địa phương xử lý nghiêm những cán bộ công an sai phạm không chỉ răn đe toàn quân mà còn thể hiện tính kỷ luật cao của lực lượng vũ trang này, góp phần củng cố niềm tin của dân vào lực lượng bảo vệ pháp luật, bảo vệ dân, củng cố hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân.
Người dân luôn mong mỏi ngành công an mạnh tay loại khỏi hàng ngũ những người có những biểu hiện thoái hóa, biến chất… trước khi họ thành bị can để không gây phương hại đến uy tín của lực lượng này.