Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Vốn tập viết báo từ những năm đầu vào trường, nên tôi không khỏi háo hức chờ đợi môn học. Nhưng sau buổi đầu tiên của môn học này, tôi thất vọng rất nhiều về cách giảng dạy của thầy. Chúng tôi không được đi thực tế viết bài. Mỗi giờ lên lớp, thầy thường đọc một vài bài phóng sự điều tra của các nhà báo viết từ những năm 1990 cho chúng tôi nghe, rồi đọc cho chúng tôi ghi chép phần lý thuyết và phân tích bài báo đó.
Lớp học trở lên trầm lặng hơn trong những giờ học của thầy. Không còn ai hăng hái phát biểu ý kiến, cũng không có những buổi thảo luận sôi nổi. Nhiều hôm tôi thấy thương thầy, vì đứng trên lớp thầy đọc bài dường như chỉ cho một mình thầy nghe, còn ở dưới các bạn nói chuyện riêng, làm việc riêng, chẳng mấy ai để ý đến lời thầy giảng. Không ít buổi thầy cho cả lớp nghỉ sớm, với lời dặn chúng tôi về nhà tự tìm, đọc và phân tích một vài bài phóng sự điều tra trên báo. Nhưng chúng tôi chẳng bao giờ để ý đến lời dặn ấy của thầy.
Đã nhiều lần tôi dự định đứng lên để góp ý kiến với thầy về phương pháp giảng bài của thầy có nhiều điểm chưa hợp lý. Nhưng rồi vì tính e ngại vốn có nên tôi lại không làm điều ấy. Đến khi sắp kết thúc môn học, vì không kiềm chế được, tôi đã lên Facebook để phàn nàn về cách dạy của thầy. Tôi viết rằng thầy dạy quá chán, những tiết dạy của thầy không có tí thực tế nào, ngay cả phần lý thuyết cũng không đâu vào đâu. Suốt từ những tiết học đầu tiên đến khi gần kết thúc môn học, thầy chỉ lấy một vài bài điều tra cách đây cả chục năm để phân tích cho hơn 40 sinh viên trong lớp. Mà lần nào thầy cũng phân tích như nhau, chẳng lần nào khác cả. Tôi còn nói rằng có lẽ học xong môn này, tôi vẫn không thể nào hình dung thế nào là một phóng sự điều tra.
Đoạn viết đó trên Facebook cá nhân của tôi và trên Fanpage của lớp nhận được rất nhiều like và những bình luận đồng tình của các bạn. Tôi lấy làm hân hoan vì mình đã trút bỏ được những bức xúc bấy lâu nay. Chỉ đến khi tôi đến lớp, học buổi cuối cùng môn học đó.
Hôm đó, tôi thấy thầy giáo trầm tĩnh hơn, chia sẻ với chúng tôi nhiều điều hơn về thực tế những năm tháng làm báo của thầy. Đến cuối buổi học, thầy hỏi cả lớp: “Trong thời gian thầy dạy, có ai có ý kiến gì về phương pháp giảng bài của thầy không?”. Không thấy ai trả lời, thầy tiếp: “Đây là buổi học cuối cùng của thầy và các em, nên có điều gì các em muốn chia sẻ với thầy về cách giảng bài của thầy, hay quan điểm của các em, thì cứ nói. Thầy sẽ lắng nghe. Các em có thể chia sẻ ý kiến của mình trên Facebook được thì cũng có thể chia sẻ trực tiếp với thầy được chứ?”.
Không còn cách nào khác, tôi đứng lên thú nhận mình đã viết những dòng phàn nàn về cách dạy của thầy trên Facebook. Tôi nói với thầy như những gì đã viết trước đó. Nói xong mà tôi nóng bừng mặt, phần vì tôi sợ thầy trách mắng, và tôi lo ngại hơn là có thể bị thầy “nhớ tên” và “trù” điểm thấp vào kỳ thi tới!
Nhưng nghe tôi nói xong, thầy có vẻ buồn và nói với chúng tôi: “Lẽ ra em nên nói điều này với thầy sớm hơn để thầy điều chỉnh cách giảng dạy các em cho phù hợp. Thầy đã đọc những dòng em viết và suy nghĩ rất nhiều. Từ nay, thầy sẽ lắng nghe các em sinh viên hơn, để có phương pháp giảng dạy phù hợp với các em. Thầy không biết các em lại phàn nàn về môn học thầy dạy đến vậy”.
Tối đó về nhà, lên Facebook, tôi nhận được một tin nhắn từ thầy: “Thầy cảm ơn em. Từ nay thầy sẽ thường xuyên lên Facebook hơn, để hiểu được các em nhiều hơn”.
Đêm đó, tôi nằm suy nghĩ đến khuya. Tôi rất ân hận về những gì mình đã viết. Tuy không có lời lẽ xúc phạm thầy, nhưng chắc sẽ làm thầy buồn lắm. Những sinh viên, các thầy cô giáo trong trường sẽ nghĩ gì về thầy khi đọc được những dòng tôi viết ấy? Giá như lúc đó tôi bình tĩnh hơn để không đăng những dòng đó lên Facebook; giá như tôi dũng cảm hơn để gặp riêng thầy, nói chuyện trực tiếp với thầy về chuyện đó; hay tôi sẽ gửi điều đó qua tin nhắn riêng cho thầy trên Facebook...
Theo VŨ VIẾT TUÂN (TTO)