Nhân chuyên thăm Trung Quốc vừa kết thúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, báoPháp Luật TP.HCM có cuộc trò chuyện với nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang, người đã 44 năm làm công tác về Trung Quốc, từ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đến đối ngoại nhân dân.
Mở đầu câu chuyện là đôi dòng tự giới thiệu của nhà ngoại giao kỳ cựu này.
Ông Nguyễn Vinh Quang giờ là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung. Ảnh: NVCC. |
Nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang: Với Trung Quốc, tôi có đủ cung bậc cảm xúc.
Xuất thân lính tăng, có mặt ở Sài Gòn ngày 30-4-1975, tôi xuất ngũ và trở về trường cũ - Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, học Trung văn. Ra trường đúng thời điểm quan hệ hai nước xấu nhất, tiếng Trung học ra ế ẩm, học sư phạm mà chẳng có trường cấp ba nào nhận giáo viên Trung văn. Lúc đó Tổng cục 2 lại cần người biết tiếng Trung, đảng viên, từng là bộ đội càng tốt. Định đi bộ đội lần thứ hai thì Ban Đối ngoại lại gọi. Thú thật, bấy giờ đâu biết Ban Đối ngoại Trung ương Đảng là gì, nhưng có công ăn việc làm, được ở lại Hà Nội thì tốt quá rồi.
Tôi bắt đầu làm về Trung Quốc năm 1978 như thế, tại Tổ thư ký Hội Hữu nghị Việt – Trung. Được mấy tháng thì căng thẳng biên giới, rồi chiến tranh biên giới phía Bắc, tổ chức nhấc mình về Vụ Trung - Triều - Mông (tức chuyên theo dõi về Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ). Ban đầu, công việc hàng ngày là viết báo cáo sau các cuộc giao ban nhiều bộ ngành về tình hình biên giới, gửi Ban Bí thư, mà trực tiếp là bác Xuân Thủy, Bí thư Trung ương Đảng – Trưởng ban Đối ngoại Trung ương…
Công tác tham mưu, nghiên cứu cứ liên tục như vậy cho đến năm 1987, với mục đích đào tạo một số chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc, tôi được cử đi học tại Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, ngành Trung Quốc học.
Về nước một thời gian ngắn thì diễn ra Hội nghị Thành Đô, đi đến bình thường hóa quan hệ Việt – Trung cuối năm 1991. Đầu năm 1992 tôi được cử làm Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Hết nhiệm kỳ đầu tiên, trở về tiếp tục công tác ở Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á. Đến 2007, đang là Vụ trưởng thì trở lại Trung Quốc với hàm Công sứ, làm Phó Đại sứ.
Về nước năm 2011, Ban Đối ngoại Trung ương giữ lại làm thêm, cứ tưởng đôi năm thì nghỉ, nhưng lại xảy ra vụ giàn khoan 981 năm 2014. Sau đó là các sự kiện đối ngoại phức tạp giữa ta với Trung Quốc, nên phải sau chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Tập Cận Bình, tháng 11-2015, sang đầu năm 2016 tôi mới được nghỉ.
Gọi là hưu nhưng không nghỉ, vẫn tiếp tục công việc về Trung Quốc: Đối ngoại nhân dân thì là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung. Còn nghiên cứu, viết lách thì tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, gọi tắt là CSSD.
72 tuổi, vẫn Trung Quốc, chưa nghỉ ngày nào.
Việt - Trung hoàn thành phân giới, cắm mốc toàn tuyến biên giới trên đất liền năm 2009 là một thành quả của nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia, với dấu mốc là năm 1991. Trong ảnh: Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và người đồng cấp - Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc tại lễ chào mừng hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt - Trung, được tổ chức tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Bằng Tường, ngày 23-2-2009. Ảnh: TTXVN |
. Giới nghiên cứu hẳn sẽ coi hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao là một cột mốc đánh dấu quá trình vận động, phát triển của quan hệ Việt Nam với quốc gia cụ thể. Vậy nếu đặt sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc năm 2022 này trong cả một giai đoạn dài quan hệ Việt – Trung thì ông cảm nhận thế nào?
+ 4 năm đầu tiên tôi ở Trung Quốc là giai đoạn mới bình thường hóa. Về mặt người dân, rồi cả trong nội bộ, đôi bên còn hoài nghi nhau. Tuy nhiên, ở cấp làm trực tiếp như chúng tôi thì rất lạc quan, tin tưởng vào tương lại quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.
Phải nói, hơn 10 năm sau bình thường hóa, hai nước giải quyết được rất nhiều việc. Từ đàm phán, ký Hiệp định biên giới trên đất liền, Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ, rồi phân giới cắm mốc trên thực địa. Rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng đôi bên đều đã vượt qua được.
Ở nhiệm kỳ thứ 2 thì xảy ra một số chuyện đôi bên phải đấu tranh với nhau, mà vai Phó Đại sứ tôi phải gánh vác nhiều việc không tên, đôi lúc tâm lý căng thẳng lắm...
Nhưng đấy là công việc của người làm ngoại giao. Còn cuối cùng và quan trọng nhất là làm sao người dân hai nước chung sống hòa bình, cùng làm ăn, phát triển.
Vậy nên, những hoạt động đối ngoại cấp cao như chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc hôm rồi là rất có ý nghĩa. Nó định hướng cho bầu không khí quan hệ, tôi nghĩ nhân dân hai bên sẽ rất vui.
. Vâng, quả là quan hệ Việt – Trung đã ngày càng tốt lên từ sau bình thường hóa. Tuy nhiên, những khác biệt, vấn đề tồn tại trên Biển Đông lại gây cản trở, nhất là sự kiện giàn khoan 981 năm 2014…
+ Có thể khẳng định là từ sau bình thường hóa quan hệ Việt - Trung, người dân hai nước đang nghĩ về nhau rất tốt, ngày càng tốt thì lại xảy ra chuyện như vậy. Vết thương 1979 đã dần lành rồi, nhưng 2014 giống như thêm một nhát cắt vào vết sẹo cũ, đổ vỡ niềm tin rất nhiều.
Tôi nghĩ, nếu Trung Quốc thực sự quan tâm đến lợi ích người dân thì rồi họ cũng sẽ tiếp tục nhận thức lại về những việc như vậy để đôi bên cùng nâng niu, xây dựng quan hệ hữu nghị, không làm gì gây tổn thương tình cảm người dân hai nước, từng bước củng cố lòng tin chiến lược...
Tôi có may mắn trải qua cả ba kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Chứng kiến những giai đoạn thăng, trầm trong quan hệ hai nước Việt – Trung, rồi những biến động phức tạp của thế giới, thấy cả hai bên cần thấm thía ý nghĩa quan trọng của việc củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai quốc gia, hai dân tộc.
Năm 1991, chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô và phe XHCN Đông Âu sụp đổ. Trước đó không lâu, cựu Tổng thống Mỹ Nixon có ra cuốn sách “1999 - Không đánh mà thắng”, hàm ý các nước XHCN rồi sẽ tan rã, cùng lắm là đến cuối thế kỷ XX. Nhưng thực tế Trung Quốc, Việt Nam có những tìm tòi riêng về mô hình phát triển của mình, ủng hộ nhau, đã vượt qua thách thức, không những không sụp đổ mà còn phát triển như bây giờ.
Còn với riêng từng nước, thì người dân Trung Quốc hài lòng với sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, thấy cuộc sống ngày càng cải thiện. Người dân Việt Nam cũng vậy, cảm nhận được thành quả Đổi mới mỗi ngày.
Những kết quả ấy là nỗ lực riêng của hai Đảng Cộng sản, và còn có phần từ nỗ lực chung xây dựng, củng cố, gìn giữ quan hệ có bề dày lịch sử giữa hai nước, do các vị tiền bối Hồ Chí Minh – Mao Trạch Đông dày công vun đắp.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đón Tổng Bí thư - Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Việt Nam, năm 2005. Bìa phải là ông Nguyễn Vinh Quang, lúc đó là Vụ trưởng Vụ Trung Quốc và Đông Bắc Á - Ban Đối ngoại Trung ương. Ảnh: NVCC |
. Cả đời làm công tác về Trung Quốc, quan hệ, gặp gỡ bà con bên đó nhiều, ông thấy người Trung Quốc cảm nhận về Việt Nam thế nào?
+ Trên thực tế người Trung Quốc thấy Việt Nam rất an toàn, thân thiện với khách nước ngoài, bao gồm khách Trung Quốc. Người Trung Quốc không dễ tìm được cảm giác ấy ở các nơi khác.
Tôi nhớ năm 1994, VTV chiếu phim truyền hình nhiều tập “Khát vọng” của Trung Quốc, bà con mình thích lắm. Trong một cuộc họp nào đó, Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn nói vui là “Họp nhanh để về còn xem Khát vọng”, báo Trung Quốc có đăng chuyện này. Tất cả cho thấy giá trị quan người Việt Nam với người Trung Quốc rất gần nhau, nên khán giả mình mới mê, thích phim Trung Quốc như thế.
Vậy là tôi liên hệ với Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, tổ chức cho đoàn diễn viên phim “Khát vọng” thăm Việt Nam. Lúc về, họ tổ chức bữa cơm thân mật cảm ơn tôi. Ông Bí thư Chi bộ Nhà hát Thanh Niên trong đoàn Trung Quốc nói: Tôi quả thực rất ngạc nhiên không chỉ về sự phát triển của Việt Nam mà còn vì người dân Việt Nam gần như không có biểu hiện ác cảm gì với người Trung Quốc cả.
Người Trung Quốc, kể cả các nhà đầu tư của họ làm ăn với Việt Nam đều vậy. Họ cơ bản không có phàn nàn gì về cuộc sống, môi trường xã hội, quan hệ xã hội, con người với con người ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Vinh Quang - Trưởng đoàn Đại biểu Hội hữu nghị Viêt - Trung - ghi lưu niệm tại Nhà kỷ niệm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: NVCC |
. Trở lại với kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cụ thể là Tuyên bố chung, cảm nhận đầu tiên của ông là gì?
+ Chưa bao giờ có tuyên bố chung dài, chi tiết như thế. Trước đây tôi từng tham gia dự thảo tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước Việt – Trung nên thấy rõ điều này.
Tuyên bố chung lần này tiếp tục như các lần trước, với nội dung phần lớn là về hợp tác hữu nghị, tạo điều kiện thuận lợi cho làm ăn, giao lưu. Phần khác biệt giữa hai nước hiện nay là vấn đề Biển Đông, luôn được đề cập đến rất thẳng thắn và nêu ra những phương hướng để từng bước giải quyết.
Trong những hợp tác làm ăn, có thể thấy dù Trung Quốc gắt gao chống dịch vậy, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu với ta vẫn năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục thông quan với hàng nông sản mà bạn cũng ghi nhận, có cam kết rõ ràng sẽ cố gắng tháo gỡ. Rồi nêu rõ ủng hộ ta mở thêm các văn phòng xúc tiến mậu dịch để tạo điều kiện cho hàng Việt Nam vào sâu thị trường 1,4 tỉ dân của bạn.
Về cơ sở hạ tầng, lần này đặt vấn đề cụ thể về thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng qua biên giới, sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trao đổi thống nhất phương án kết nối đoạn đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) trong chủ trương kết nối “Vành đai và con đường" với “Hai hành lang, một vành đai” mà lãnh đạo hai nước đã bàn tới từ nhiều năm trước.
Nếu triển khai được thì hàng hóa vùng Vân Nam, Trung Quốc sẽ có tuyến thông thương mới với thị trường thế giới. Còn hàng hóa, đặc sản xứ biển, nông sản phẩm nhiệt đới của ta lại dễ dàng hơn trong tiếp cận thị trường lớn này. Hàng hóa Việt Nam cũng có thể quá cảnh Trung Quốc sang châu Âu.
Các bạn Vân Nam mong muốn lắm, làm sao trong khoảng 24 tiếng, hải sản Việt Nam sau đánh bắt là tới được bếp ăn của họ, thay vì hàng đông lạnh dài ngày.
. Kết quả Đại hội XX ĐCS Trung Quốc có thể tác động thế nào tới quan hệ hai nước?
+ Những cam kết của Trung Quốc tại Đại hội XX với thế giới, với khu vực về cơ bản đều tích cực. Từng nội dung về hòa bình, hợp tác đều rất cụ thể. Trung Quốc là nước lớn và nếu bạn thực sự ý thức được trách nhiệm nước lớn, những cam kết ấy thành hiện thực thì rất có lợi cho chúng ta.
Nhưng cũng phải hiểu là sự cạnh tranh giữa các nước lớn cũng ảnh hưởng đa chiều, phức tạp, khó lường tới các nước khác. Vấn đề là chúng ta tiếp tục khẳng định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, củng cố quan hệ hữu nghi hợp tác không chỉ với Trung Quốc mà với cả các nước lớn khác. Như thế sẽ tối đa hóa được lợi ích quốc gia, dân tộc.
. Vấn đề “an ninh” có tần suất xuất hiện rất lớn trong Văn kiện Đại hội XX của ĐCS Trung Quốc, thậm chí nhiều hơn cả “kinh tế”. Việc này sẽ tác động thế nào tới quan hệ của Trung Quốc với nước ta?
+ Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng trong khu vực ở khía cạnh an ninh của Trung Quốc. Không nói ra, nhưng bạn xếp ta vào vị trí số 1 trong ASEAN, vì lý do có 1.400 km biên giới trên bộ, vì thực tế ổn định phát triển của ta, và còn vì ý thức hệ - với hai Đảng Cộng sản cầm quyền trong thể chế chính trị nhiều nét tương đồng. Vậy nên an ninh của ta cũng là lợi ích của bạn.
. Xin cảm ơn ông!