Trong số những ngân hàng đã công bố thông tin, kết quả kinh doanh cao nhất đến lúc này là Techcombank.
Trải qua quý II, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – TCB) có lợi nhuận trước thuế 7.827 tỉ đồng. Tính chung cả quý I, nửa đầu năm lợi nhuận của nhà băng này chạm mốc 15.628 tỉ đồng, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính ra, lợi nhuận sau thuế 12.546 tỉ đồng.
Với tình hình này, Techcombank là ngân hàng đầu tiên của mùa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 có lợi nhuận sau thuế vượt ngưỡng 10.000 tỉ đồng khá nhiều.
Đứng sau với khoảng cách khá xa là Ngân hàng TMCP Á Châu Việt Nam. ACB cho biết đã thu về 5.598 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý II, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 5% so với cùng kỳ, với con số 10.490 tỉ đồng, tương đương 48% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay. Trừ đi thuế, lợi nhuận để lại còn 8.374 tỉ đồng.
Là ngân hàng quy mô khiêm tốn nhưng công bố báo cáo tài chính quý II sớm nhất PGBank, tức Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển, ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt 151 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,6% so với quý II-2023.
Nhưng do kết quả làm ăn quý I kém, nên tính ra lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, được gần 268 tỷ đồng, tương đương 48% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế còn 213,8 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) ước tính lợi nhuận quý II của 13 ngân hàng, gồm Vietcombank, BIDV, MB, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank, HDBank, Sacombank, TPBank, VIB, MSB và OCB.
Trong số này, lợi nhuận của VPBank được dự báo tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước, tới 60%; tiếp đó là Techcombank tăng 31%; HDBank tăng 28 - 31%; MB tăng 22%; TPBank tăng 11 - 17%, VietinBank tăng 15%,...
Còn nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MBS, biên lợi nhuận (NIM) của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm thêm trong khi lãi suất huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng.
Tăng trưởng tín dụng trong quý II toàn ngành ngân hàng dù khả quan hơn quý I, trong đó khả quan nhất là LPBank, VPBank, HDBank. Dù vậy, mức cải thiện này vẫn thấp so với cùng kỳ năm trước, dẫn tới thu nhập lãi thuần vẫn chưa thể tăng mạnh.
Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối với chứng khoán khó có mức tăng trưởng cao khi tình hình thị trường càng lúc càng khó khăn. Chi phí trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục tăng khi nợ xấu có dấu hiệu tăng lại.