Năm 2024 nhiều doanh nghiệp trải qua tình trạng khó khăn do kinh doanh thua lỗ, nguồn thu bị gián đoạn, một số doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng đã phải tìm đến dịch vụ vay đáo hạn ngân hàng. Tuy nhiên, cả phía ngân hàng và các chuyên gia tài chính đều cảnh báo doanh nghiệp phải cẩn trọng với loại hình này.
Lãi suất vay đáo hạn rất cao
Việc vay đáo hạn ngân hàng về lý thuyết có rất nhiều ích lợi, nó giúp doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thanh toán đúng hạn các khoản vay của ngân hàng. Tránh được nguy cơ bị tịch thu tài sản khi không có khả năng trả nợ và bị ghi nhận lịch sử nợ xấu làm ảnh hưởng đến khả năng vay vốn trong tương lai.
Trong vai trò một người có nhu cầu cần vay khoảng 2 tỷ đáo hạn ngân hàng, phóng viên đã thử tìm đến dịch vụ cho vay đáo hạn trên thị trường tự do.
Khi tìm kiếm thông tin về vay đáo hạn ngân hàng trên các nền tảng mạng xã hội, không khó để bắt gặp hàng chục nhóm với hàng chục nghìn thành viên. Liên lạc qua điện thoại , những người nghe máy có một sự ngại ngần nhất định khi trả lời những câu hỏi liên quan đến thủ tục và lãi suất vay đáo hạn và đề nghị phải có trao đổi trực tiếp.
Phóng viên tìm đến một địa chỉ cho vay đáo hạn trong một con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội. Người gặp đề nghị phải được xem giấy tờ rồi mới nói chuyện tiếp. Sau khi xem xong loạt giấy tờ, người này đề nghị được đi cùng đến ngân hàng mà người vay đang có khoản vay cần đáo hạn, và đi theo sang ngân hàng mà doanh nghiệp định chuyển khoản vay sang, theo dõi toàn bộ quá trình rồi mới quyết định giải ngân.
Lãi suất mà người đó đưa ra là 3 nghìn/triệu/ngày, như vậy với số tiền vay 1 tỷ đồng, số lãi phải trả mỗi ngày ước tính 3 triệu đồng và mỗi tháng 90 triệu đồng tiền lãi, tương đương khoảng 9%/tháng.
Chính những nhân viên ngân hàng cũng có những mối quan hệ cho vay đáo hạn của riêng họ. Khi thử hỏi nhân viên ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Hà Nội về dịch vụ vay đáo hạn, lập tức nhân viên có thể cung cấp ngay một loạt các đầu mối mà theo anh này giải thích là “đã có quan hệ làm việc chắc chắn với nhau từ lâu”.
Khi liên lạc với các đầu mối này, lãi suất phổ biến khoảng 2 nghìn rưỡi đến 3 nghìn đồng/ngày tùy theo giá trị khoản vay và chất lượng hồ sơ tín dụng của doanh nghiệp.
Rủi ro không nhỏ khi vay đáo hạn
Giám đốc khách hàng doanh nghiệp của một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cho biết việc vay tiền từ nguồn “tín dụng đen” để đáo hạn ngân hàng vốn đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng sang đến năm nay khi tình hình kinh tế khó khăn hơn, dường như việc này đã xảy ra thường xuyên hơn.
Ông cảnh báo về việc đã có những trường hợp vay đáo hạn bên cũ nhưng lại không được giải ngân bên ngân hàng mới mà đã vay tín dụng đen với lãi suất cao từ trước đó dẫn đến gây thiệt hại tài chính rất lớn, chưa kể thậm chí có thể mất luôn cả tài sản đảm bảo.
Lý do là bởi khi vay tiền của tín dụng đen, hai bên đã ký một hợp đồng mua bán tài sản để người vay có thể được vay tiền, sau thời gian dài không trả được, đã có những trường hợp bị lãi tín dụng cao kèm “lãi mẹ đẻ lãi con” dẫn đến mất luôn cả tài sản thế chấp.
Cũng theo vị giám đốc này, trong bối cảnh năm nay khi mà khá nhiều ngân hàng đang thừa vốn cần đẩy ra nền kinh tế, lãi suất hiện đang hấp dẫn và thủ tục vay cũng được đơn giản hóa hơn, khi có nhu cầu cần đáo hạn, khách hàng có thể để hai bên ngân hàng trực tiếp làm việc với nhau sẽ có được thỏa thuận có lợi nhất cho khách, lãi suất thấp nhất có thể và việc giải ngân có thể chỉ diễn ra trong vài ngày. Tuy nhiên, điều này chỉ dễ dàng nếu khách hàng có lịch sử tín dụng tốt và nguồn tiền sản xuất kinh doanh ổn định.
Còn với khách không có các điều kiện này, nên tìm đến nguồn tiền vay từ người thân bạn bè...
Anh Ngô Hoàng Long, giám đốc một doanh nghiệp công nghệ thông tin với quy mô khoảng 100 nhân viên trên địa bàn Hà Nội, cũng đã chia sẻ về cách doanh nghiệp của anh xử lý vấn đề tài chính khi cần đáo hạn ngân hàng.
Với lịch sử hơn 15 năm hoạt động, anh Long cho biết trong giai đoạn đầu của doanh nghiệp, anh đã từng phải tìm đến tín dụng đen để có tiền sử dụng khi đáo hạn ngân hàng. Ở thời điểm năm 2015, anh cho biết từng phải đi vay với lãi suất 3 nghìn/triệu/ngày. Tuy nhiên việc vay này theo anh rất áp lực và gây tốn kém tài chính nhiều cho doanh nghiệp.
Sau đó, khi đơn hàng của doanh nghiệp nhiều hơn, có thêm nguồn tiền gửi ổn định ở ngân hàng và lịch sử tín dụng tốt, trong những trường hợp cần tiền gấp doanh nghiệp đã vay ngắn hạn khoản tín chấp ở ngân hàng để phục vụ cho nhu cầu đáo hạn. Ngân hàng sẽ xem xét đến các nguồn tiền có thể về và lịch sử tín dụng để giải ngân cho doanh nghiệp với mức lãi suất phù hợp nhất.
Cẩn trọng với rủi ro lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo một số chuyên gia tài chính, hoạt động cho vay đáo hạn ngân hàng đang rất phổ biến, do có nhiều người không thể xoay được tiền để trả nợ ngân hàng đúng hạn và nhiều người có vốn nhàn rỗi tham gia cho vay để kiếm lời cao trong ngắn hạn.
Thế nhưng trên thực tế xảy ra tình trạng nhiều người lợi dụng hoạt động cho vay đáo hạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các khoản vay này đều không có tài sản đảm bảo hợp pháp, thông tin vay và mục đích sử dụng vốn vay khá mập mờ, tình trạng pháp lý giao kết hợp đồng vay ẩn chứa nhiều rủi ro với người cho vay.
Một chuyên gia cho rằng việc cho vay đáo hạn ngân hàng cũng có thể bị biến tướng thành cho vay nặng lãi, người cho vay sử dụng các hình thức trái luật để thu hồi nợ.
Với những người bị người quen hỏi vay để đáo hạn ngân hàng, cần tìm hiểu và xác minh thật kỹ rằng người đó có vay đáo hạn ngân hàng thật hay không, đáo hạn ở ngân hàng nào với khoản tiền bao nhiêu và khi vay phải có giao kèo giấy tờ đầy đủ, có sự chứng giám của một bên thứ ba.
Luật sư Nguyễn Huy Minh tại Hà Nội cho biết: “Nhiều người vì tin tưởng người đi vay, lại ham lãi suất cao nên nhanh chóng đưa tiền mà không xác minh kỹ mục đích vay, nguồn tiền trả nợ dẫn đến bị lừa đảo mất trắng”.