Lừa đảo sống khỏe nhờ lót tay

Một chủ doanh nghiệp tại quận Bình Tân (TP.HCM) vừa tố cáo mất 300 triệu đồng vì bị lừa “chạy giấy phép xây dựng” (báo Pháp Luật TP.HCM ngày 23-11 thông tin). Vụ việc đã được chuyển cho Công an huyện Bình Chánh.

Cách đây một tuần, ngày 17-11, Cơ quan CSĐT Công an TP Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ba đối tượng về hành vi nhận hối lộ và môi giới hối lộ, liên quan một vụ lo lót xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp.

Những người đưa tiền nhờ vả chạy chọt cán bộ giúp cho thủ tục được giải quyết nhanh hoặc giúp lơ đi những hành vi trái pháp luật luôn tồn tại một tâm lý nhờ cậy cán bộ cơ quan nhà nước. Và thực tế cũng có khá nhiều vụ việc, các “cò” đứng giữa đã giải quyết được yêu cầu của người nhờ vả cán bộ giải quyết mau lẹ cho dù có tốn kém hơn việc làm thủ tục đường đường chính chính. Các “cò” này không đơn thuần là thay mặt gia chủ để đi làm thủ tục theo ủy quyền, mà họ lách cho được đầu này, đầu kia để công việc được giải quyết trơn tru, nhanh chóng bất thường. Có lẽ vì vậy mà nhiều người vẫn tiếp tục cách lo lót cửa sau, cả tin vào “cò” nên dẫu xã hội có lên án thì nó vẫn phây phây sống khỏe.

Bà Tiêu Hồng Nhung tố cáo đã bị “cò” ở huyện Bình Chánh lừa đảo 300 triệu đồng “chạy giấy phép xây dựng”. Ảnh: N.DŨNG

Cùng với số “cò thật” - tức loại có thể lòn các cửa để lo được các loại thủ tục, giấy tờ, xuất hiện loại “cò giả” lừa đảo các nạn nhân. Những miếng bánh vẽ hoàn hảo về mối quan hệ của mình với các cơ quan công quyền, với những cán bộ có thế lực được vẽ ra. Đã có không biết bao nhiêu những câu chuyện về sự lừa đảo của những kẻ được xưng là “cò”, thế nhưng vẫn có rất nhiều người dính bẫy.

Tất nhiên không loại trừ khả năng những vụ việc có sự tiếp tay của cán bộ chính quyền, vẫn còn chuyện gây khó khăn cho những người có nhu cầu, vì vậy mà trong nhiều trường hợp một số người đã chọn cách đi cửa hậu. Và với mê hồn trận của các loại giấy tờ như hiện nay, các loại “cò” sẽ còn sống dài dài và sống khỏe.

Những vụ việc này đặt ra cho các cơ quan có trách nhiệm - nếu thật sự công tâm và có trách nhiệm với người dân hãy công khai tất cả thủ tục, giấy tờ, quy trình để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Việc này thật ra đa phần các cơ quan đã làm nhưng trong tình hình dân trí không đồng đều, ngôn ngữ văn bản khó hiểu thì sự giải thích đúng quy định, tận tình, chu đáo, dễ hiểu của cán bộ khi dân có thắc mắc vẫn cần hơn cả.

Việc nhiều người dân bị lừa hoặc các vụ môi giới - nhận hối lộ bị phanh phui chứng tỏ một điều rằng tâm lý cậy cán bộ để lòn cửa sau vẫn còn nhiều lắm. Nếu người dân còn tâm lý này và cán bộ cũng sống cậy vào nó thì làm sao triệt được tình trạng nhũng nhiễu lẫn lừa đảo?

Tháng 9-2016, báo Pháp Luật TP.HCM đã có loạt bài “Nhà không phép ở Bình Chánh”, nêu tình trạng nhiều trường hợp vỡ mộng vì tin lời “cò”, xây dựng không phép bị địa phương cưỡng chế tháo dỡ nhà. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, đã có hơn 100 cán bộ ở huyện bị kỷ luật, điều chuyển công tác, cho nghỉ việc, thậm chí khởi tố hình sự.

Tháng 7-2016, Cơ quan CSĐT Công an TP Vũng Tàu đã tạm giữ Nguyễn Văn Lương để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra ban đầu, Lương làm thầu xây dựng, biết ông NTT có đất chưa được chuyển mục đích sử dụng, không được cấp giấy phép xây dựng nên nhận lời sẽ lo lót chính quyền. Tuy nhiên, ông T. đã bị địa phương ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình nhà ở xây không phép.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới