Vì nhu cầu cá nhân mà nhiều người chẳng hề quan tâm đến vệ sinh, vẻ đẹp đường phố, nơi vốn là không gian chung chứ chẳng phải của riêng ai.
Từ cây xanh, cột điện đến tường nhà, hàng rào, từ trong hẻm đến phố lớn lắm nơi chằng chịt những mảnh giấy quảng cáo khoan cắt bê tông, hút hầm cầu, tuyển bảo vệ, thuê gia sư, cho vay tiêu dùng, thuê nhà… Tờ cũ chồng lên tờ mới, ngang dọc lộn xộn, nhếch nhác...
Có lần tôi góp ý với công an phường nhưng họ chỉ lắc đầu vì đây là căn bệnh mạn tính khó trị. Tìm người dán theo số điện thoại trên đó thì họ chối, chỉ có cách bắt quả tang người đi dán giấy mới xử được mà điều này lại quá khó.
Một thanh niên chạy xe dán quảng cáo lên cột điện ở đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: THANH VŨ
Người dán quảng cáo thường hoạt động về đêm, che khẩu trang kín mít. “Ác” là họ toàn chọn nơi có vị trí đẹp, đông người qua lại để nội dung quảng cáo được thật nhiều người biết đến.
Nghị định 28/2017 quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo nêu rõ người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo bằng cách treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng (mức phạt trước đây là 1-2 triệu đồng). Tuy nhiên, từ lúc nghị định có hiệu lực đến nay, tình trạng này vẫn chẳng hề thuyên giảm.
Địa phương cũng có thể xem nhẹ nên dù mức phạt có tăng cũng không ai bị phạt. Có những đoàn phường, thanh niên tình nguyện phát động dọn dẹp, gỡ bảng dán thì chỉ vài ngày sau đâu lại hoàn đấy.
Dọn rác là nghĩa cử đẹp nhưng đó không phải là giải pháp tối ưu. Cách tốt hơn là ngăn chặn từ đầu hành vi xả rác, bôi bẩn không gian sống. Luật có rồi, thiết nghĩ cơ quan chức năng không nên thả nổi vấn đề này thêm nữa để thành phố không bị xấu lây vì lợi ích riêng của vài nhóm người nhỏ.