Gần đây, nhiều người dân phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM bức xúc về tình trạng dán tờ rơi, in quảng cáo tràn lan lên tường của các hộ dân, gây ảnh hưởng đến mỹ quan nhà ở và đô thị.
Một số người dân ở đường Cầm Bá Thước, phường 7, quận Phú Nhuận phản ánh chỉ sau một đêm bức tường của gia đình họ đầy ắp tờ rơi và bị in sơn quảng cáo lên tường.
“Sáng nào ngủ dậy, trên tường nhà cũng trắng xóa tờ rơi quảng cáo. Ban đầu gia đình còn ra xé nó đi, rồi lấy nước tẩy các loại để gỡ bỏ nó. Tuy nhiên, việc làm này cũng không thể trả lại bức tường như hiện trạng ban đầu. Vậy mà đâu lại vào đấy, qua một đêm thì tường nhà lại đầy ắp tờ rơi. Về sau chán nản, chúng tôi mặc kệ cho họ dán và kết quả là bức tường nhà tôi như một bãi rác” - ông Phan Văn Long cho biết.
Quá bức xúc, ông Long lên phường để báo cáo về tình trạng này. Tuy nhiên, khi đến phường thấy tờ rơi cũng dán đầy ở nơi công cộng mà phường cũng chưa xử lý được nên ông đành ngậm ngùi đi về. Đồng thời, ông Long cũng lần theo số điện thoại in trên tờ rơi để nhắc nhở, song chủ sở hữu của tờ rơi đã liền cúp máy khi biết được ý định của ông Long.
Người dân khổ sở sau mỗi lần bóc, tẩy tờ rơi quảng cáo tại một bức tường nhà mình trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG
Tương tự, ông Phạm Sơn Hải ở xã Tân Phú Trung, Củ Chi, TP.HCM cũng phản ánh đến báo cho biết: “Căn nhà tôi vừa mới sơn xong, vậy mà sau một đêm bị in quảng cáo đầy tường. Quá bức xúc, tôi giả vờ gọi điện thoại cho một trong những số điện thoại dán trên tường để nhờ hút hầm cầu như đã quảng cáo. Khi nhân viên này tới, tôi có nói rõ hiện trạng, hậu quả mà công ty đã gây ra và yêu cầu sơn lại tường. Sau đó công ty này đã sơn lại bức tường cho nhà tôi. Tuy nhiên, không phải đơn vị quảng cáo nào cũng chịu khắc phục hậu quả sau đó đâu. Mấy số điện thoại khác gọi đến nghe mấy câu là tắt máy”.
Đối với hành vi dán, in quảng cáo lên tường của các hộ dân, pháp luật có chế tài như thế nào?
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Theo Điều 51 Nghị định 158/2013 và Nghị định 28/2017 sửa đổi bổ sung quy định người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng. Đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.
Mặt khác, đối với quy định trên thì xử phạt việc dán, vẽ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng, không xử phạt hành vi sơn lên tường của người khác.
Vì thế, nếu có ai đó sơn lên tường mà bức tường đó không thể rửa sạch, nếu muốn khắc phục hậu quả thì không còn cách nào khác là chủ sở hữu phải sơn lại, tốn kém tiền của. Hành vi của người dán, sơn rõ ràng là cố ý. Do đó có thể áp dụng xử phạt theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013, phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.