Luật hóa nguyên tắc suy đoán vô tội - Bài 2: Sửa luật để áp dụng?

Tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 14-6 vừa qua, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) đã đặt câu hỏi với Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: Làm sao để giải quyết tình trạng án hình sự cứ xử đi, xử lại nhiều năm mà vẫn không giải quyết dứt điểm được?

Thay đổi tư duy suy đoán

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Hòa Bình thừa nhận thực tế là tỉ lệ các vụ án kiểu này khá nhiều. Nguyên nhân chủ quan là do chất lượng điều tra, truy tố và xét xử chưa cao. Về mặt khách quan thì cần hoàn chỉnh lại các quy định của pháp luật, trong đó cần phải ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội trong BLTTHS.

Theo ông Bình, ở các giai đoạn tố tụng, đến một thời hạn nào đó mà các cơ quan tố tụng không thể chứng minh được tội phạm thì phải xác định là bị can, bị cáo vô tội. Khi nào phát hiện vụ án có tình tiết mới thì lại đưa ra xem xét lại chứ không để kéo dài thời gian từ năm này qua năm khác. “Từ chỗ chúng ta đang suy đoán có tội nếu không đủ chứng cứ thì phải trở thành suy đoán vô tội. Chúng ta khống chế được thời gian của các giai đoạn tố tụng tốt thì tình trạng án kéo dài sẽ được khắc phục nhanh” - ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, trong lần sửa đổi Hiến pháp này, trong chương về quyền con người cũng đang hướng việc áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội. “Sau khi Hiến pháp sửa đổi ban hành thì chúng ta sẽ sửa đổi toàn diện BLTTHS và BLHS theo hướng này” - ông Bình khẳng định.

Nếu cơ quan tố tụng áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội thì những người như Nguyễn Văn Kiên
(Bình Phước) có thể đã không phải ngồi tù. Ảnh: T.TÙNG

Cần ghi nhận chính thức

Quan điểm của ông Bình đã được nhiều chuyên gia ủng hộ.

TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) nhận xét: BLTTHS hiện hành quy định không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Đây là một nội dung chủ đạo của nguyên tắc suy đoán vô tội. Cạnh đó, một nội dung khác của nguyên tắc suy đoán vô tội cũng BLTTHS cụ thể hóa là trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội.

“Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại như trên thì chưa đủ, cần phải chính thức cụ thể hóa nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo tôi, khi sửa đổi thì nên đặt tên cho Điều 9 BLTTHS là “suy đoán vô tội”. Còn phần bổ sung các nội dung của nguyên tắc như thế nào thì giải thích rõ trong điều luật” - TS Hưng đề xuất.

Theo TS Hưng, đây là một nguyên tắc tiến bộ, áp dụng chỉ mang lại nhiều cái lợi chứ không có mặt hạn chế. Thứ nhất, nguyên tắc bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự là khi cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải suy đoán theo hướng ngược lại. Thứ hai, nguyên tắc đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm: Họ không thể làm ẩu, làm sai mà vẫn áp đặt ý chí chủ quan của mình để kết tội nghi can. Thứ ba, nguyên tắc đảm bảo tính pháp chế trong BLTTHS, là nhân tố phát triển tính đúng đắn của lĩnh vực TTHS.

Luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nhận xét: Nhiều vụ án hình sự kéo dài từ năm này qua năm khác với những phán quyết mang tính trái ngược nhau đã vô tình bào mòn niềm tin của người dân vào công lý. “Người ta thường hay nhấn mạnh là không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội. Nhưng công bằng mà nói thì không phải lúc nào, ở đâu đánh giá của cơ quan tố tụng cũng đúng. Tỉ lệ án hình sự bị hủy, sửa hằng năm vẫn còn cao, án oan vẫn còn xảy ra. Để tránh tình trạng này kéo dài phải áp dụng triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội. Trên thế giới, nguyên tắc suy đoán vô tội đã được nhiều nước ghi nhận từ lâu và là xương sống của các hoạt động tố tụng hình sự” - luật sư Ly Tao nói.

Phù hợp với cải cách tư pháp

Theo luật sư Hoàng Kim Vinh (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước), việc chính thức luật hóa nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ tạo ra nhiều lợi thế cho một quy trình tố tụng tiến bộ, phù hợp với cải cách tư pháp. Bởi lẽ nguyên tắc này có mối quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo và nguyên tắc tranh tụng.

“Nói ngắn gọn thì một trong những nội dung cơ bản của nguyên tắc suy đoán vô tội là mọi nghi ngờ về pháp luật và chứng cứ phải được giải thích có lợi cho bị can, bị cáo. Nếu những người tiến hành tố tụng đối xử với bị can, bị cáo không theo hướng này là không ổn. Chẳng hạn một người nếu bị suy đoán là có tội ngay từ khi bị tạm giữ, tạm giam thì người đó đang phải chịu thành kiến. Như vậy, mọi hoạt động bào chữa gỡ tội của bản thân người đó và của luật sư đều phải chịu thiệt thòi. Việc tòa xét xử trong tâm thế thành kiến sẵn này chỉ giống như đi tìm lời giải cho một bài toán đã có sẵn đáp số mà thôi” - luật sư Vinh nhận xét.

Đồng ý rằng một nền tố tụng hình sự tiến bộ là phải đảm bảo đủ chứng cứ khi kết tội nhưng nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế còn băn khoăn về kỹ thuật lập pháp khi xây dựng nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo ông Quế, còn nhiều việc phải nghiên cứu: Quy định nguyên tắc này trong BLHS hay BLTTHS? Ai có quyền suy đoán vô tội, luật sư, cơ quan điều tra, VKS hay tòa án? Trường hợp nào phải suy đoán vô tội, trường hợp nào không? Nếu BLTTHS quy định nguyên tắc này thì liệu có cải thiện được tình hình kết tội theo ý chí chủ quan hay không?

“Chúng ta phải trả lời cho được những câu hỏi trên chứ không thể nói chung chung rằng cần xây dựng nguyên tắc mà không hình dung được nó như thế nào, mục đích là cái gì? Không áp dụng đúng thì có khi suy đoán vô tội chỉ để giải quyết vấn đề được - thua giữa luật sư với kiểm sát viên khi tranh tụng tại tòa” - ông Quế nói.

Lịch sử, nội dung của nguyên tắc

Theo ThS Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật), từ thời La Mã cổ đại, người ta đã khẳng định trách nhiệm chứng minh thuộc về bên tố cáo, thuộc bên khẳng định chứ không phải bên phủ định. Đây được coi là cội nguồn của tư tưởng suy đoán vô tội (presomtion of innonce). Tuy nhiên, chỉ đến khi Cách mạng tư sản Pháp 1789 bùng nổ, tư tưởng này mới được mới được ghi nhận như là một nguyên tắc của pháp luật.

Ngày nay, nguyên tắc suy đoán vô tội được nhiều nhà nước coi là nguyên tắc của tố tụng hình sự, được đánh giá là thành tựu vĩ đại của văn minh pháp lý trong việc bảo vệ quyền con người. Nguyên tắc này có một số nội dung chủ yếu sau:

- Không ai có thể bị coi là có tội khi tội phạm do họ thực hiện chưa được chứng minh theo đúng các quy định của BLTTHS và chưa được xác định bằng bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa. Hình phạt là do tòa quyết định.

- Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan điều tra, VKS; bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

- Bản cáo trạng của VKS và bản án kết tội của tòa phải dựa trên các chứng cứ khẳng định chắc chắn về lỗi của người bị buộc tội trong việc thực hiện tội phạm.

- Mọi nghi ngờ về lỗi của bị can, bị cáo nếu không thể loại trừ được theo trình tự, thủ tục do luật định và khi chưa có sự thống nhất trong việc giải thích, áp dụng các quy phạm pháp luật đều phải được giải quyết theo hướng có lợi cho họ.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới