Luật hóa quản lý xe điện ở khu du lịch và dự liệu các phương tiện giao thông bằng AI

(PLO)- Không chỉ luật hóa việc quản lý xe điện chở khách du lịch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu việc sửa luật phải tính tới các phương tiện tương lai như xe, máy bay vận hành bằng AI. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xe điện chở khách du lịch, thăm quan, đi lại nội bộ trong trong các khu du lịch, khu đô thị đang là thực tiễn mới nằm ngoài dự liệu của Luật Giao thông đường bộ.

Báo cáo trong cuộc họp sáng nay, 7-5, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm vấn đề này đang được Bộ GTVT và Bộ Công an phối hợp điều chỉnh bằng một số quy định tạm thời về tổ chức, quản lý việc sử dụng xe điện bốn bánh; đăng ký, cấp, thu hồi biển số xe.

Trên cơ sở đó, đến nay cả nước có 35 địa phương đang thí điểm hoạt động đối với xe điện 4 bánh phục vụ chở khách du lịch trong phạm vi hạn chế, với 118 đơn vị vận hành 3.488 phương tiện.

Qua thời gian thực hiện, việc sử dụng phương tiện trên cơ bản đảm bảo an toàn, tạo sự văn minh, thuận tiện trong công tác phục vụ du lịch, đồng thời thân thiện với môi trường, ít gây ô nhiễm.

Luật hóa việc quản lý xe điện chở khách ở khu du lịch và dự liệu các phương tiện giao thông tương lai khác
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị sớm tổng kết, thể chế hóa các chính sách, quy định, thực tiễn về hoạt động của xe điện chở khách du lịch. Ảnh: VGP

Còn theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, tại một số địa phương còn có tình trạng xe điện chở khách du lịch hoạt động tự phát, không đăng ký, đăng kiểm. Việc quản lý phạm vi hoạt động và xử phạt vi phạm giao thông của xe điện bốn bánh còn rất khó khăn, đã xảy ra một số vụ tai nạn.

Ngoài ra, việc chưa luật hóa để quản lý hoạt động của phương tiện này, dù đã có văn bản quy định tạm thời, nhưng vẫn dẫn đến không ít khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý, về cả công tác đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, đến áp biểu tính các loại thuế, phí liên quan…

Vì vậy, nay Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an tham mưu Chính phủ đưa xe điện chở khách du lịch vào dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự kiến hai dự luật trên sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp thứ 7 tới đây.

Khẳng định hoạt động của xe điện bốn bánh đáp ứng nhu cầu cuộc sống theo xu hướng giao thông xanh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công an cần sớm tổng kết để luật hóa các chính sách với loại phương tiện đặc thù này.

Không chỉ vậy, Phó Thủ tướng đề nghị hai bộ tham khảo kinh nghiệm quốc tế để bổ sung nội hàm, khái niệm có tính bao quát, dự báo được sự phát triển của các phương tiện giao thông trong tương lai như phương tiện bay, sử dụng trí tuệ nhân tạo, các loại nhiên liệu mới…

“Những gì đã chín, đã rõ, dự báo được thì đưa vào luật, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, các bộ, ngành quy định cụ thể với những trường hợp phát sinh mà chưa thể dự báo” - Phó Thủ tướng nói.

Đối với việc tiếp tục thí điểm hoạt động xe điện bốn bánh trong thời gian chờ luật ban hành, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan phải đảm bảo phương tiện có nguồn gốc xuất xứ, đánh giá chất lượng của các nước phát triển; tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn của Việt Nam.

Các địa phương chịu trách nhiệm cấp phép đăng ký, cụ thể hóa phạm vi hoạt động của xe điện bốn bánh, thực hiện nghiêm các quy định hiện hành. Người điều khiển phương tiện phải có giấy phép lái xe theo quy định. Tổ chức, đơn vị đang khai thác, sử dụng, quản lý xe điện bốn bánh phải chịu trách nhiệm về phạm vi hoạt động thực tế của loại phương tiện này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm