Trình bày tờ trình về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho biết: Chính phủ đã đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung của các luật về đầu tư, kinh doanh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2016.
Lý giải thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng nếu dự thảo luật này được thông qua sẽ khắc phục được sự chồng chéo trong đầu tư kinh doanh với nhiều luật khác như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai.
Theo ông Đông, từ kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại cuộc gặp với Thủ tướng diễn ra trong tháng 4-2016 tại TP.HCM, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT và Bộ Tư pháp soạn thảo. Đến nay dự thảo luật đang được Bộ Tư pháp thẩm định và hy vọng trong tháng 7-2016, Chính phủ sẽ thông qua và trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm nay theo quy trình một kỳ họp.
Trước lý giải của đại diện Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết “đến nay Ủy ban Kinh tế chưa hề nhận được hồ sơ hay thông tin gì về dự án luật này”.
“Tôi chưa biết ý định của Chính phủ trong việc đề nghị sửa luật này là gì nhưng trong cuộc đối thoại của Thủ tướng với doanh nghiệp tại TP.HCM thì không có ý kiến nào liên quan đến thể chế cả. Các kiến nghị do VCCI tập hợp chủ yếu liên quan đến vấn đề thủ tục hành chính, vì thế đề nghị Chính phủ xem xét, thận trọng, luật có độ trễ, có thời gian điều chỉnh chứ không phải nay có cái này, mai sửa cái kia” - ông Giàu nói.
Giải thích thêm, ông Đông cho hay: “Vì được giao nhiệm vụ quá khẩn nên chưa trao đổi được với Ủy ban Kinh tế”. “Nếu luật này được đưa vào chương trình và thông qua vào năm nay thì tốt vì đây thực sự là nhu cầu bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp, các bộ, ngành địa phương. Chính phủ không tự nghĩ ra việc mà đề xuất dựa trên quá trình rà soát. Hiện có 12 luật có những điểm chồng chéo nhau, trong đó bốn luật sửa chỉ sửa 1-2 điểm đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp rất nhiều, còn tám luật đang được rà soát cho nên nếu sửa được thì sẽ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế” - ông Đông nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Về đề xuất này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng không đồng tình, bà nói: “Việc sửa luật phải thống nhất nguyên tắc có tổng kết, đánh giá tác động, có hồ sơ đầy đủ… Hiện một số luật chưa có báo cáo đánh giá tác động, hay như quy định về điều kiện kinh doanh của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực 10 ngày (từ 1-7-2016) đã đòi sửa là vô căn cứ. Sửa luật phải đánh giá thử nghiệm trong thực tiễn, xem thấy bất cập thì mới sửa chứ sau 10 ngày bảo sửa luật là không có căn cứ. Ngay chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế còn chưa biết sửa gì. Bây giờ mà đồng ý sửa là hồ đồ”.
Cùng ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến: “Chính phủ mới có Nghị quyết 35 nhưng chưa có hồ sơ trình dự án luật nói trên và Ủy ban Kinh tế cũng chưa biết gì cả. Vì thế chưa có cơ sở để chưa vào chương trình. Nguyên tắc đưa vào chương trình xây dựng pháp luật thì phải có hồ sơ. Do đó, Bộ KH&ĐT cần báo cáo Chính phủ vướng chỗ nào, có bao nhiêu luật liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, trên cơ sở đó Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định”.
Tiếp tục lùi việc trình dự án Luật Biểu tình Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông, dự án Luật Biểu tình đã được đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự án luật phức tạp, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn nên đã lùi thời gian trình dự án luật này. Theo ông Thông, đến nay Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 nhưng qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn có ý kiến khác nhau, hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào chương trình. |