Luật sư Việt được hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương?

Như đã phản ánh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho biết đã có năm LS Việt Nam tình nguyện sang Malaysia trợ giúp pháp lý cho Đoàn Thị Hương, người được cho là liên quan đến cái chết của ông Kim Jong-nam. Liên đoàn LS cũng đã gửi công văn cho Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp về vấn đề hỗ trợ tư pháp cho Hương. Vậy các LS Việt Nam có thể tham gia với vai trò gì, thủ tục đăng ký ra sao và cần chuẩn bị những kỹ năng gì?

Rất cần hỗ trợ pháp lý

Theo LS-TS Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam), trong vụ Đoàn Thị Hương bị xét xử ở Malaysia trước hết cần nói về quyền bảo hộ công dân. Theo đó, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng đã tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cho Hương. Trong đó có việc liên hệ với cơ quan có thẩm quyền Malaysia tạo điều kiện thăm gặp, trao đổi với thân nhân của Hương về các thủ tục liên quan. Tòa án Malaysia cũng đã chỉ định LS bào chữa cho Hương nhằm đảm bảo quyền bào chữa theo luật Malaysia. Về phía Liên đoàn LS Việt Nam cũng đã trao đổi với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao đề xuất cung cấp dịch vụ pháp lý cho Hương khi có yêu cầu.

LS Hoài nói: “Thường trực Liên đoàn LS sẽ sớm xem xét tiến cử một số LS Việt Nam giỏi ngoại ngữ, có kỹ năng và kinh nghiệm hành nghề tố tụng hình sự có yếu tố nước ngoài tham gia đoàn công tác của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Liên đoàn LS Việt Nam, làm việc với các cơ quan tư pháp Malaysia. Từ đó sẽ có hướng hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương, phù hợp với pháp luật tố tụng hình sự của Malaysia”.

Theo LS Nguyễn Văn Hậu (Đoàn LS TP.HCM), khoản 3 Điều 17 Hiến pháp 2013 quy định: Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ. Do đó, việc tham gia hỗ trợ bảo vệ cho công dân Đoàn Thị Hương là quyền và nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam, trong đó có giới LS.

Nghi phạm Đoàn Thị Hương mặc áo chống đạn rời tòa. Ảnh: REUTERS

Không có quyền bào chữa

Vấn đề đặt ra là các LS Việt Nam sẽ tham gia hỗ trợ như thế nào?

Theo LS Phan Trung Hoài, Luật Hành nghề pháp lý của Malaysia (sửa đổi, bổ sung năm 2013, có hiệu lực tháng 6-2014) quy định việc tư vấn hoặc bào chữa tại tòa án Malaysia phải có giấy phép hành nghề hợp lệ. Đồng thời không cho phép LS nước ngoài hành nghề trong lĩnh vực pháp luật hình sự, TTHS. Vì thế, LS Việt Nam không thể tư vấn, bào chữa hoặc phiên dịch theo thủ tục tố tụng hình sự tại tòa án Malaysia.

Nếu tòa án Malaysia cần triệu tập người liên quan để phục vụ điều tra xét xử, hoặc yêu cầu Việt Nam ủy thác tư pháp thì sẽ thông qua đầu mối là VKSND Tối cao. Cơ sở thực hiện việc này là khoản 2 Điều 1 Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN, được ký ngày 29-11-2004.

Tuy nhiên, LS Việt Nam có thể tham gia hỗ trợ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Đoàn Thị Hương bằng cách phối hợp với LS Malaysia đang tham gia vụ án. LS Việt Nam cũng có thể phối hợp với LS hình sự của Malaysia nếu được gia đình Hương yêu cầu nhằm tìm kiếm các bằng chứng chứng minh vô tội hoặc giảm nhẹ tội.

Đồng tình, LS Nguyễn Văn Hậu nói: “Pháp luật Malaysia không cho phép LS nước ngoài mà không hành nghề tại Malaysia tham gia tranh tụng với tư cách LS”. Nhưng ở Việt Nam hay các nước đều có quy định nếu công dân nước ngoài bị xét xử tại quốc gia mình thì phải chỉ định LS nước sở tại bào chữa. Nếu được tham gia thì LS Việt Nam có thể hỗ trợ pháp lý theo tinh thần Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN ngày 29-11-2004 nói trên. Cụ thể, LS Việt Nam sẽ hỗ trợ LS Malaysia các vấn đề như thông tin về nhân thân, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan có lợi cho Đoàn Thị Hương. Các LS cũng có thể hỗ trợ về ngôn ngữ, về mặt tinh thần cho bị cáo, theo dõi diễn tiến của việc xét xử...

Phải chuẩn bị kiến thức, ngoại ngữ

Theo LS Hậu, do Việt Nam và Malaysia chưa ký Hiệp định Tương trợ tư pháp nên trình tự thủ tục tham gia phải tiến hành theo con đường ngoại giao. Liên đoàn LS cần đề xuất với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, liên lạc với cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Malaysia để tiến hành các thủ tục ngoại giao và tư pháp. Kế đó, Liên đoàn LS sẽ liên hệ với LS tại Malaysia đã được chỉ định bào chữa cho bị cáo để thỏa thuận về việc tham gia hỗ trợ. Những thủ tục này cần phải được làm nhanh để kịp thời hỗ trợ cho việc bào chữa tại tòa các cấp.

Các LS Việt Nam tham gia vụ án cần có kiến thức về pháp luật Malaysia, thực tế xét xử những vụ án tương tự. Cạnh đó phải có khả năng ngoại ngữ tốt để thuận lợi khi làm việc với LS và cơ quan chức năng Malaysia. Phải có kỹ năng thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ có lợi cho bị cáo tại Việt Nam cũng như tại Malaysia. Từ đó cung cấp, hỗ trợ cho phía LS Malaysia khi bào chữa.

“Không được trực tiếp tranh tụng nhưng LS Việt Nam cũng phải nắm bắt được trình tự thủ tục, đặc trưng của phiên tòa hình sự. Từ đó cần có trao đổi với LS Malaysia để có phương án, kế hoạch hỗ trợ hợp lý, hiệu quả, tránh lúng túng, bị động. Nếu được gặp bị cáo thì cần hỗ trợ tinh thần, khai thác thông tin và tư vấn hợp lý để Hương có thể tự mình bảo vệ trước tòa” - LS Hậu chia sẻ.

Vai trò LS rất quan trọng

Luật sư Việt được hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương? ảnh 2

Ở Malaysia, một LS muốn tranh tụng hoặc trợ giúp pháp lý cho đương sự (hoặc bị cáo) trước tòa thì phải đăng ký hành nghề ở một tòa án và được tòa án đó chấp nhận. Tương tự như ở Việt Nam, một LS muốn hành nghề thì phải đăng ký hành nghề ở một đoàn LS và được đoàn đó chấp nhận. Do đó, giả sử có một LS nào của Việt Nam đang được phép hành nghề ở Malaysia thì người này có quyền đăng ký bào chữa cho Đoàn Thị Hương. Nhưng vị LS này cũng phải có hiểu biết rõ về luật Malaysia (theo hệ thống thông luật Common Law, luật thông pháp, rất khác Việt Nam).

Theo luật thông pháp thì quá trình xét xử là do hai bên trình bày nên vai trò của LS là rất quan trọng. Thẩm phán không xét hỏi, chỉ là trọng tài ngồi nghe và bảo đảm hai bên thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Khác Việt Nam, phiên tòa tại Malaysia nguyên tắc mặc cả tội phạm được thừa nhận. Ví dụ như ở tòa cấp dưới, nếu Đoàn Thị Hương nhận tội thì tòa sẽ ra phán quyết ngay. Hình phạt tối đa sẽ là 14 năm, vì cấp tòa này chỉ có thẩm quyền ra hình phạt tối đa như vậy. Nếu không thì vụ án sẽ được cấp tòa án cao hơn xét xử. Quá trình tranh tụng trong phiên tòa khá quan trọng và có thể kéo dài. Khi LS và công tố viên đưa ra các bằng chứng “không còn gì để nghi ngờ” việc phạm tội của Đoàn Thị Hương nữa thì tòa tuyên án. Ngược lại, Đoàn Thị Hương sẽ được tòa tuyên vô tội. Vì vậy, đòi hỏi phải thu thập được các chứng cứ cũng như có những lý lẽ thuyết phục để bào chữa cho Đoàn Thị Hương.

Nếu không có LS Việt Nam nào đang hành nghề ở Malaysia thì các LS Việt Nam vẫn có thể tham gia với vai trò hỗ trợ pháp lý nếu Đoàn Thị Hương và LS của Hương đồng ý.

Về vụ án này, theo tôi hiện nay cơ quan ngoại giao của Việt Nam đã làm trọn vai trò khi tiếp xúc lãnh sự và tư vấn cho gia đình Đoàn Thị Hương, đúng như quy định tại Công ước Viene về lãnh sự.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, TAND Tối cao NGÔ CƯỜNG

CHÂN LUẬN ghi

Tòa án Malaysia xét xử khác Việt Nam

Malaysia là một nước có sự tổ chức pháp luật mang đặc trưng của hệ thống pháp luật Anh-Mỹ (Common Law), vì trước đây từng là thuộc địa của Anh. Do đó, mô hình tố tụng của Malaysia sẽ trải qua nhiều phiên tòa thuộc hệ thống tòa án phân làm ba cấp. Thấp nhất là tòa án hình sự địa phương (Magistrate Court và Sessions Court), sau đó đến tòa thượng thẩm (High Court) và tòa phúc thẩm (Court of Appeal) và cấp cao nhất là Tòa án Tối cao Liên bang (Federal Court).

Với một vụ án có mức độ nghiêm trọng như giết người thì đầu tiên tòa án hình sự địa phương sẽ thụ lý. Phiên tòa đầu tiên sẽ là phiên tòa sơ bộ (Pretrial). Công tố viên sẽ đọc bản cáo trạng thông báo cho bị cáo và LS biết bị cáo bị buộc tội gì để chuẩn bị bào chữa. Nếu bị cáo nhận tội thì sẽ được áp dụng nguyên tắc thỏa thuận nhận tội giữa bị cáo và bên công tố. Nếu bị cáo không nhận tội sẽ có phiên tòa thứ hai để xem xét tính hợp pháp của các chứng cứ do công tố và LS cung cấp. Trong phiên tòa này LS của bị cáo sẽ bào chữa.

Phiên tòa thứ ba là phiên xét xử chính thức có bồi thẩm đoàn. Lúc này các bên sẽ chính thức tranh tụng với nhau về quan điểm liên quan đến vụ án. Dựa trên kết quả tranh tụng, tòa sẽ có phán quyết về tội danh và hình phạt cho bị cáo. Sau khi tòa thượng thẩm đưa ra phán quyết, vụ án sẽ được tự động chuyển lên tòa phúc thẩm và Tòa Tối cao Liên bang xem xét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm