Luật sư VN không thể bào chữa tại tòa án Malaysia

Đó là ý kiến của LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam, khi nói về việc hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương.

Theo LS Hoài iên quan đến vụ này có hai vấn đề cần đề cập.

Thứ nhất về bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng đã tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cho Đoàn Thị Hương. Trong đó có việc liên hệ với cơ quan có thẩm quyền Malaysia tạo điều kiện thăm gặp, trao đổi với thân nhân của Đoàn Thị Hương về các thủ tục liên quan. Tòa án Malaysia đã chỉ định LS bào chữa cho Đoàn Thị Hương nhằm đảm bảo quyền bào chữa theo luật Malaysia. Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam cho biết đã trao đổi với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao về đề xuất các LS Việt Nam cung cấp dịch vụ pháp lý cho Đoàn Thị Hương khi có yêu cầu.

Thứ hai là LS Việt Nam tham gia như thế nào, có thể bào chữa, tranh tụng bảo vệ cho Đoàn Thị Hương tại tòa án Malaysia hay không?

Theo ông Hoài, trên cơ sở trao đổi thông tin đến hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hình sự với đại diện Vụ Pháp chế và cải cách tư pháp Bộ Công an, nhận thấy:

Theo quy định của Luật Hành nghề pháp lý của Malaysia (sửa đổi, bổ sung năm 2013, có hiệu lực tháng 6-2014) thì hoạt động tư vấn hoặc bào chữa trước tòa án Malaysia phải có giấy phép hành nghề hợp lệ. Đồng thời không cho phép LS nước ngoài hành nghề trong lĩnh vực pháp luật hình sự, tố tụng hình sự. Vì thế, có thể khẳng định cán bộ ngoại giao, LS Việt Nam không thể tư vấn, bào chữa hoặc phiên dịch theo thủ tục tố tụng hình sự tại tòa án Malaysia.

Nếu tòa án hình sự Malaysia xét thấy cần thiết để giải quyết vụ án, có giấy triệu tập/mời cá nhân liên quan theo thủ tục chung để phục vụ điều tra hoặc xét xử tại Tòa, hoặc có yêu cầu phía Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp theo các phạm vi được quy định tại khoản 2 Điều 1 Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự (ký ngày 29-11-2004 giữa các nước ASEAN bao gồm: Nhà nước Brunay Darusalam, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Indonesia, Cộng hòa DCND Lào, Malaysia, Cộng hòa Philippines, Cộng hòa Singapore và CHXHCN Việt Nam) thì phía Việt Nam thông qua đầu mối VKSND Tối cao thực hiện.

Tuy nhiên, LS Việt Nam có thể tham gia hỗ trợ pháp lý nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho Đoàn Thị Hương bằng cách phối hợp với LS Malaysia đang tham gia vụ án. Hoặc LS Việt Nam phối hợp với LS giỏi về hình sự của Malaysia được gia đình Đoàn Thị Hương theo yêu cầu nhằm tìm kiếm các bằng chứng chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Theo LS Hoài, thường trực Liên đoàn LS sẽ sớm xem xét tiến cử một số LS Việt Nam tốt ngoại ngữ, có kỹ năng và kinh nghiệm hành nghề tố tụng hình sự có yếu tố nước ngoài tham gia Đoàn công tác của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Liên đoàn LS Việt Nam, làm việc với các cơ quan tư pháp Malaysia, để quyết định cách thức và phạm vi hỗ trợ pháp lý cho công dân Đoàn Thị Hương, phù hợp với pháp luật TTHS của Malaysia.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm