Luật sư xin tham gia vụ án ‘phút 89’

Tại phiên xử ngay sau đó, bị đơn yêu cầu hoãn xử vì muốn có luật sư bảo vệ, tòa không chấp nhận. Tòa làm như vậy là đúng hay sai?

Đầu năm 2014, TAND huyện Đức Linh (Bình Thuận) thụ lý một vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản mà nguyên đơn là Quỹ tín dụng nhân dân Mé Pu, bị đơn là ông LTG.

Tòa nhận hồ sơ quá cận giờ xử

Sau một thời gian chuẩn bị xét xử, TAND huyện Đức Linh đã tống đạt cho ông G. thông báo ấn định lịch xét xử sơ thẩm vụ án là vào lúc 13 giờ 30 ngày 25-6-2014. Sau đó ông G. có đơn xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe. Tòa chấp nhận rồi gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử mới cho ông G., ấn định thời gian xét xử là vào lúc 13 giờ 30 ngày 11-7-2014.

Thời gian này, ông G. có mời một luật sư bảo vệ mình. Vị luật sư này đã gửi hồ sơ xin tham gia vụ án đến TAND huyện Đức Linh theo đường bưu điện. Theo văn phòng của TAND huyện, tòa chỉ nhận được hồ sơ xin tham gia vụ án của luật sư vào lúc 11 giờ trưa 11-7-2014, quá cận giờ xử nên không kịp thông báo cho thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm biết. Mặt khác, lãnh đạo tòa cũng chưa có thời gian xem xét việc có cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho luật sư hay không.

Không hoãn xử

Tại phiên xử sơ thẩm ngay đầu giờ chiều đó, ông G. có mặt nhưng xin hoãn xử với lý do cần phải có luật sư bảo vệ. HĐXX đã không chấp nhận đề nghị của ông G., tiếp tục xét xử bình thường và tuyên ông G. thua kiện.

Ông G. kháng cáo. Ngoài việc không đồng tình với phán quyết của tòa sơ thẩm, ông G. còn cho rằng HĐXX đã cản trở quyền nhờ người khác bảo vệ của ông khi không hoãn xử để cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi cho luật sư của ông dù đã nhận đủ hồ sơ trước đó.

Tại phiên phúc thẩm mới đây của TAND tỉnh Bình Thuận, đại diện VKSND tỉnh Bình Thuận cho rằng theo giải trình của thẩm phán cấp sơ thẩm thì đến giờ xử án, thẩm phán vẫn không biết có thủ tục yêu cầu luật sư của bị đơn. Theo mốc thời gian thì do nhận được hồ sơ của luật sư quá cận giờ xử nên TAND huyện chưa làm thủ tục xem xét cấp giấy chứng nhận cho luật sư. Do đó trường hợp này được coi là tại phiên tòa đương sự xin hoãn xử để nhờ luật sư bảo vệ cho mình.

Theo đại diện VKS, khoản 4 Điều 18 Nghị quyết số 03-2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần Những quy định chung của BLTTDS) quy định: Nếu tại phiên tòa đương sự mới nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì HĐXX chấp nhận nếu người được đương sự nhờ có đủ giấy tờ cần thiết và việc chấp nhận đó không gây cản trở cho HĐXX tiếp tục xét xử vụ án. Ở đây, trường hợp của ông G. là có nhờ luật sư bảo vệ nhưng luật sư đó lại không có mặt tại phiên tòa. Nếu tòa chấp nhận yêu cầu của ông G. thì tòa phải hoãn xử, như vậy là đã cản trở việc xét xử. Do vậy, việc HĐXX sơ thẩm không chấp nhận hoãn xử theo yêu cầu của ông G. là đúng.

Đồng tình, TAND tỉnh Bình Thuận đã bác nội dung kháng cáo về tố tụng này của ông G.

Tòa đúng hay sai?

Về mặt pháp lý, luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) nhận xét: Trong án dân sự, khi luật sư gửi hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự thì tòa phải có nghĩa vụ xem xét có cấp hay không. Trong vụ này, luật sư có gửi hồ sơ nhưng do cận thời gian mở phiên xử nên tòa chưa kịp xem xét cấp giấy thì tòa phải hoãn xử để xem xét yêu cầu này. BLTTDS không quy định luật sư phải gửi hồ sơ tới cho tòa trước bao nhiêu ngày tòa mở phiên xử mà chỉ quy định tòa phải trả lời luật sư trong vòng ba ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ.

Cạnh đó, theo luật sư Thiện, nên hiểu theo hướng không phải khi ra tòa ông G. mới đề nghị nhờ luật sư mà ông chỉ đề nghị tòa hoãn xử để có thời gian công nhận tư cách của luật sư ông mời tham gia vụ án. “Chính thủ tục cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi đã làm cản trở quyền của đương sự chứ không phải đương sự cản trở việc xét xử. Nếu không có thủ tục cấp giấy chứng nhận này thì yêu cầu của ông G. đã được HĐXX chấp nhận” - luật sư Thiện nói.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Luật TP.HCM) lại có quan điểm khác. Theo ông, nếu HĐXX sơ thẩm linh hoạt hoãn xử thì tốt nhưng xử luôn cũng không sai vì nguyên tắc là đương sự phải chủ động bảo vệ quyền lợi của mình sau khi tòa đã hoãn xử lần đầu. Thông thường, nếu tham gia vụ án mà cận về mặt thời gian quá thì luật sư phải trực tiếp đến tòa nộp hồ sơ chứ không nên chọn cách gửi theo đường bưu điện, vốn mất nhiều ngày mới đến được tòa.

Mặt khác, khoản 4 Điều 29 Nghị quyết số 05-2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp sơ thẩm trong BLTTDS) đã quy định rất rõ: “HĐXX không được hoãn phiên tòa vì lý do tại phiên tòa, đương sự yêu cầu hoãn phiên tòa để nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc để ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thay mình”.

Đồng tình, một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM cũng cho rằng ông G. đã xin hoãn xử một lần, được tòa sơ thẩm chấp thuận. Nếu lần này tòa sơ thẩm tiếp tục hoãn lần thứ hai thì không đúng quy định bởi theo BLTTDS, đây không phải là trường hợp tòa phải hoãn xử. Hơn nữa, nếu tòa hoãn xử theo yêu cầu của ông G. thì quyền lợi của ông G. được bảo vệ nhưng quyền lợi của phía nguyên đơn lại bị ảnh hưởng, như vậy là không công bằng.

Phải trả nợ cho quỹ tín dụng

Theo đơn khởi kiện của Quỹ tín dụng nhân dân Mé Pu, tháng 10-2011, vợ chồng ông G. vay 180 triệu đồng để kinh doanh phân, thuốc nông nghiệp. Sau đó ông G. trả 80 triệu đồng, còn nợ lại 100 triệu đồng đã quá hạn nên đơn vị này kiện đòi. Trong khi đó, phía ông G. cho rằng hồ sơ vay 180 triệu đồng là do quỹ tín dụng làm giả, thực chất ông chỉ vay 20 triệu đồng nên ông chỉ đồng ý trả số tiền này.

Xử sơ thẩm, TAND huyện Đức Linh đã tuyên buộc phía ông G. phải trả 100 triệu đồng và tiền lãi cho quỹ tín dụng. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh cũng giữ nguyên bản án sơ thẩm. Sau đó ông G. đã gửi đơn khiếu nại giám đốc thẩm theo hướng hủy cả hai bản án trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều