Cụ thể, khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội được Chính phủ kiến nghị lùi lại đến năm 2022. Bởi nếu áp dụng từ 1-1-2018 thì khoảng 4.000 lao động nữ sẽ thiệt thòi 5%-10% lương hưu, hàng chục ngàn lao động nữ khác cũng sẽ thiệt thòi ở mức độ thấp hơn.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay từ tháng 9-2017, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về bình đẳng giới, rồi cuộc họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông đã đưa vấn đề này ra. Cũng từ đó, theo lời Bộ trưởng, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo đánh giá tác động, thống kê để xem cái gì được, cái gì chưa được.
Vẫn theo lời Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, mục tiêu là tiến tới cái tốt cho phụ nữ, tuy nhiên vừa qua chưa đạt được mong muốn vì chưa kéo dài được tuổi lao động của nữ. Nhưng mục tiêu của Bộ là không để cho phụ nữ thiệt thòi.
Mục tiêu đó không sai, thậm chí là rất tốt cho đảm bảo công bằng xã hội, bình đẳng giới. Thế nhưng dường như điều này có vấn đề không ổn trong quá trình xây dựng luật pháp, nhất là việc “đánh giá tác động” với đối tượng liên quan khi ban hành chính sách.
Bởi chính việc “đánh giá tác động” của một chính sách, cũng như của một dự án luật, sẽ tạo ra sự đồng thuận khi soi rọi được những bất cập, vô lý mà những người làm chính sách nếu ngồi trong phòng lạnh sẽ không thể tiên lượng được. Những hệ quả hiện tại dường như cho thấy vấn đề đánh giá tác động đã được tiến hành không đến nơi đến chốn.
Bảo hiểm xã hội vốn là một đạo luật có mục đích đảm bảo an sinh xã hội cho công dân sau một thời gian lao động, cống hiến. Thế nhưng đây là lần thứ hai một điều luật tác động trực tiếp đến đối tượng của đạo luật phải dừng thời hạn áp dụng.
Lần thứ nhất là năm 2015 khi Điều 60 liên quan đến việc nhận bảo hiểm xã hội một lần cũng của đạo luật này chưa đưa vào áp dụng đã bộc lộ điều chưa ổn. Quốc hội khi đó cảm nhận được những bức xúc vì quyền và lợi ích hợp pháp của giới công nhân nên đã điều chỉnh để họ có thể nhận bảo hiểm xã hội một lần ngay sau khi nghỉ việc chứ không còn máy móc như Điều 60 quy định.
Thiệt hại cho người lao động có thể được chặn đứng nhưng thiệt hại cho quá trình lập pháp thì không ai có thể tính toán được. Bởi mỗi một điều luật, bộ luật và chính sách được ban hành đều có chi phí không nhỏ. Mỗi một điều luật, chính sách không hợp lý được ban hành rồi lại sửa chữa là mỗi lần tiền thuế của người dân bị tiêu tốn.
Nhưng thiệt hại về ngân sách là một chuyện. Cái thiệt lớn hơn chính là niềm tin của người dân vào các chính sách và quy trình lập pháp.
Trước thực trạng này, Quốc hội không thể coi đó là chuyện bình thường, chuyện nhỏ!