Lý do Bộ Tài chính lần thứ 4 đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô

(PLO)- Doanh số ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiếp tục giảm sâu, nên Bộ Tài chính lần thứ 4 đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ. Dù vậy, đây là bài toàn phức tạp tới cân đối ngân sách.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo nghị định về lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, dự kiến áp dụng mức thu bằng 50% mức thu theo quy định hiện hành, trong khoảng thời gian từ 1-8 năm nay đến hết ngày 31-1 năm sau.

Cũng tức là, từ 1-2-2025, việc thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ trở về mức hiện hành, được quy định trong Nghị định số 10/2022/NĐ-CP.

Giảm lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước, nơi này hưởng lợi, nơi khác hụt thu
Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1-8 năm nay đến 31-1-2025. Ảnh: X.Đ

Lần thứ 4 hỗ trợ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Trước đó, từ đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đã 3 lần ban hành chính sách hỗ trợ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước dưới hình thức giảm 50% lệ phí trước bạ.

Lần đầu là Nghị định 70/2020/NĐ-CP, áp dụng từ ngày 28-6-2020 đến hết ngày 31-12-2020; lần thứ hai là Nghị định 103/2021/NĐ-CP, áp dụng từ ngày 1-12-2021 đến hết ngày 31-5-2022; lần thứ ba là Nghị định 41/2023/NĐ-CP, áp dụng từ ngày 1-7-2023 đến hết ngày 31-12-2023.

Trong đề xuất lần thứ 4 này, Bộ Tài chính đánh giá tình hình ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước còn nhiều khó khăn. Sản xuất, kinh doanh suy giảm, doanh nghiệp cạn kiệt nguồn vốn.

Số liệu thị trường từ các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 cho thấy doanh số của ngành đã sụt giảm đáng kể, chỉ bán được 58.165 xe, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023 - theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết.

Bài toán cân đối ngân sách

Các lần hỗ trợ khác đã được triển khai là khi đại dịch COVID-19 kéo dài, gây ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế, trong đó có ngành ô tô trong nước. Theo báo cáo cập nhật của Bộ Tài chính, năm 2020 và năm 2022, số giảm thu ngân sách nhà nước về lệ phí trước bạ là khoảng 5.238 tỷ đồng.

Dù vậy, số tăng thu ngân sách nhà nước về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng liên quan lại khoảng 5.200 tỷ đồng.

Còn thời gian tới, nếu thực hiện việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng.

Việc giảm thu này còn có thể tác động đến cân đối thu ngân sách nhà nước của các địa phương. Bởi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, khoản thu lệ phí trước bạ thuộc ngân sách địa phương.

Ở chiều ngược lại, việc giảm thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, sản xuất lắp ráp trong nước khả năng sẽ làm tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và đăng ký, nên số thu từ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng có thể tăng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhấn mạnh, số thu thực tế từ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng chỉ tập trung ở 8 địa phương - nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Còn các địa phương khác đều giảm thu ngân sách địa phương từ chính sách này.

Do đó, nếu áp dụng chính sách này, các địa phương bị giảm thu sẽ yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm