Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước để có thể đưa ra phương án cuối cùng trình Chính phủ. Chính sách này tiếp tục được các doanh nghiệp ô tô kỳ vọng là một trong những yếu tố giúp kích cầu thị trường nửa cuối năm 2024.
Thị trường ô tô giữ tâm lý chờ đợi
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế và giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Nếu chính sách này được áp dụng thì ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ dự kiến từ đầu tháng 7 đến hết tháng 12-2024.
Theo tính toán, khi giảm 50% lệ phí trước bạ, khách hàng mua ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ tiết kiệm được khoản tiền từ hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, tùy theo giá trị xe.
Theo ghi nhận từ đầu năm đến nay, thị trường ô tô không có nhiều sự tăng trưởng vượt trội. Đặc biệt từ khi có thông tin sẽ áp dụng giảm lệ phí trước bạ, thị trường ô tô càng chậm lại, có tâm lý chờ đợi.
Ông Huỳnh Minh Châu, Phó Giám đốc Hyundai Đông Sài Gòn, cho biết người dân vẫn đang chờ được giảm lệ phí trước bạ nên thị trường thời gian này khá chậm.
Theo ông Châu, thông thường lúc thông báo chuẩn bị hỗ trợ thì người dân có tâm lý ngưng mua xe để chờ. Khi bắt đầu chính thức giảm lệ phí trước bạ, người dân lại ồ ạt dồn mua xe chỉ khoảng thời gian 2 tháng đầu quy định có hiệu lực. Sau đó, thị trường lại tạm lắng, sức mua sẽ bình bình rồi lại ồ ạt dồn vào 2 tháng cuối trước khi hết hạn ưu đãi.
Mấy năm gần đây khi không có hỗ trợ trước bạ thì doanh nghiệp cũng tự giảm giá, khi có hỗ trợ thì một số đơn vị lại thường tăng giá xe lên. Có chính sách này thì doanh nghiệp sản xuất ô tô hưởng lợi vì nhà nước giảm thì họ không phải giảm giá. ”
Ông Huỳnh Minh Châu, Phó Giám đốc Hyundai Đông Sài Gòn
Mặc dù từ đầu năm đến nay chưa áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ nhưng nhiều hãng xe đã tự đưa ra chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ để kích cầu tăng doanh số.
Ông Duy Vĩnh, Phó Giám đốc kinh doanh một đại lý ô tô Mitsubishi tại TP.HCM, cho biết nửa đầu năm nay hãng vẫn hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng. Tuy nhiên, doanh số bán hàng vẫn chậm. Đặc biệt sau Tết Nguyên đán đến nay, nhu cầu mua ô tô sụt giảm, có thể do kinh tế vẫn khó khăn, người dân thắt chặt tiêu dùng.
Theo ông Vĩnh, nếu Chính phủ thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ thì sẽ giúp thị trường ô tô nửa cuối năm khởi sắc hơn. Khi có nhà nước hỗ trợ, các hãng xe sẽ hỗ trợ luôn 100% lệ phí trước bạ như những lần trước kèm theo nhiều ưu đãi như tặng bảo hiểm thân vỏ, phụ kiện…
Anh Tuấn Vũ (quận 12, TP.HCM) cho biết đang xem mẫu xe CR-V với giá bán từ khoảng 998 triệu đến hơn 1,1 tỉ đồng. Các đại lý Honda Việt Nam đang hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ nên tiết kiệm được 50 - 60 triệu đồng khi mua xe.
“Nhưng mình chờ chính sách giảm, khi đó các đại lý cạnh tranh sẽ áp dụng hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ, mình có thể tiết kiệm được khoảng 100-120 triệu đồng” - anh Vũ chia sẻ.
Các hãng xe phải mạnh tay giảm giá kích cầu
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân giảm thu nhập thì sức mua của thị trường ô tô nửa cuối năm cũng sẽ sụt giảm, các hãng xe sẽ khó khăn.
Hơn nữa, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ chỉ áp dụng cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước, và chỉ áp dụng đứt đoạn, thời gian khoảng 6 tháng chứ không thể cả năm liền mạch. Lý do là để hỗ trợ được ngành ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước mà tránh bị các nhà nhập khẩu khiếu kiện.
“Chính vì lẽ đó nên thị trường ô tô chỉ khởi sắc lên trong thời gian ngắn, hết thời gian áp dụng chính sách thì nhu cầu lại giảm. Người tiêu dùng lại chờ đợi chính sách như thói quen để được hưởng lợi” - ông Đồng phân tích.
Vì thế theo ông Đồng, khi Chính phủ đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ thì các hãng xe, đại lý cần phải mạnh tay hơn nữa, giảm hẳn 100% lệ phí trước bạ cho khách hàng. Thậm chí, với những mẫu xe tồn kho, mẫu cũ còn giảm sâu hơn, tăng nhiều ưu đãi về bảo hành, bảo dưỡng, bảo hiểm để thu hút khách hàng tốt nhất.
Về lâu dài, ông Đồng cho rằng Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách tăng tỉ lệ nội địa hóa, khuyến khích đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô để gia tăng sản xuất các linh phụ kiện trong nước.
Đặc biệt các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giúp cho việc hạ giá thành sản xuất ô tô, thúc đẩy thị trường sôi động và bền vững hơn là những chính sách mang tính thời điểm.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng hiện nay không chỉ ô tô mà nhiều mặt hàng không thiết yếu đều bị suy giảm sức mua. Để kéo sức mua trở lại, các hãng xe không có giải pháp nào ngoài giảm giá, chiết khấu mạnh mẽ, kết hợp với ngân hàng có gói vay lãi suất hợp lý, kích thích tiêu dùng.
Trung bình, mỗi lần áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, thu ngân sách sẽ giảm khoảng từ 8.000 - 9.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây là công cụ hiệu quả giúp kích cầu tiêu dùng ô tô trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước ổn định sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động.
Doanh số bán xe lắp ráp trong nước giảm mạnh hơn xe nhập
Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4 doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 24.350 xe, bao gồm xe hơn 17.200 du lịch, hơn 6.800 xe thương mại và 277 xe chuyên dụng.
Trong đó, doanh số xe du lịch giảm 9%, xe thương mại giảm 15% và xe chuyên dụng tăng 21% so với tháng trước.
Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước trong tháng 4 đạt gần 12.000 xe, giảm 17% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc hơn 12.300 xe, chỉ giảm 3% so với tháng trước.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt hơn 82.500 xe, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023.