Lý do giúp loại bánh 'quốc dân' ngày Tết trở thành món ăn toàn diện

(PLO)- Bánh chưng vừa sở hữu hàm lượng dinh dưỡng cao, lại đảm bảo an toàn thực phẩm khi được nấu chín nhiều giờ và gói trong lá dong được rửa sạch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bánh chưng được coi là biểu tượng truyền thống vào ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Theo các chuyên gia y tế, xét về mặt dinh dưỡng thì bánh chưng là món ăn toàn diện.

Bánh chưng cung cấp nguồn dinh dưỡng phong phú

Về phương diện dinh dưỡng, theo PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, một chiếc bánh chưng gồm gạo nếp, thịt, đậu, hành... có trọng lượng tới 1 kg, do đó năng lượng của bánh chưng sẽ cao hơn các thực phẩm khác.

Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết theo tính toán của các nhà khoa học, trong 100 g bánh chưng sẽ cung cấp 181 kcal; 4,3g đạm; 4,2g chất béo; 31,6g chất bột đường; 0,6g chất xơ; 26g canxi; 0,94g sắt; 1,4g kẽm.

Bánh chưng được cho là món ăn toàn diện không chỉ về mặt an toàn thực phẩm mà còn ở mặt dinh dưỡng. Ảnh: HẠ QUYÊN

Bánh chưng được cho là món ăn toàn diện không chỉ về mặt an toàn thực phẩm mà còn ở mặt dinh dưỡng. Ảnh: HẠ QUYÊN

Như vậy một chiếc bánh chưng sẽ cung cấp khoảng hơn 2000 kcal, điều này có nghĩa là khi ăn một chiếc bánh chưng mỗi ngày, năng lượng bánh chưng mang lại đủ khẩu phần cho một lao động trung bình và cân đối về cả lượng và chất.

"Nhìn chung bánh chưng có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm gồm chất bột đường (nếp), chất đạm, chất béo (đậu xanh và thịt lợn) và nhóm vitamin, khoáng chất (hành, tiêu…). Tuy vậy tỉ lệ các chất này chưa cân đối, do đó khi ăn bánh chưng chúng ta nên bổ sung thêm nhóm rau, củ để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất", Viện dinh dưỡng lưu ý.

Bánh chưng sẽ an toàn nếu bảo quản đúng cách

Về phương diện vệ sinh, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, bánh chưng đảm bảo tốt các tiêu chuẩn vệ sinh vì được gói trong lá dong rửa sạch, luộc chín nhiều giờ, ăn vừa bổ, vừa sạch sẽ, ngon miệng.

“Nhưng đây là những chiếc bánh chưng gói ăn ngay trong mấy ngày tết. Thực tế có nhiều gia đình gói bánh chưng để dành tới giữa tháng giêng âm lịch, điều này dễ khiến bánh bị thiu chua, mốc khi gặp thời tiết bị nồm”, Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Lý giải nguyên nhân này, Cục an toàn thực phẩm cho biết, bánh chưng có độ ẩm và hàm lượng dinh dưỡng cao, đây là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển, vì thế bánh rất dễ bị nấm mốc nếu gặp thời tiết có độ ẩm không khí cao.

“Từ lớp lá bọc ngoài, nấm mốc phát triển vào bên trong, lan rộng làm hỏng bánh. Mốc làm thay đổi màu sắc, mùi vị của bánh, làm giảm hoặc mất hết giá trị dinh dưỡng của bánh. Dưới tác dụng của men amilaza của một số nấm mốc, tinh bột chuyển thành đường glucoza. Một số men khác lại chuyển tiếp glucoza thành rượu ethylic làm bánh bị vữa tại nơi nấm phát triển và có vị cay, hăng mùi rượu. Một số chủng nấm mốc khác có những men có khả năng lên men glucoza, mantoza, tạo thành axit gluconic, axit fumaric... làm bánh bị chua. Đáng sợ hơn cả là một số loại nấm tiết ra độc tố gây độc cho người ăn như nấm thuộc họ Aspergillus và họ penicillium.

Chính vì thế với những chiếc bánh chưng bị mốc nhiều, chua, vữa, đắng… cần được loại bỏ ngay. Những chiếc bánh mới bị mốc một chút ít bên ngoài cũng phải cắt bỏ rộng ra chung quanh, lấy phần bánh còn nguyên vẹn để hấp hoặc chiên cẩn thận trước khi sử dụng", Cục an toàn thực phẩm đưa ra khuyến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm