Bánh chưng là loại bánh truyền thống mang biểu tượng của tết đến xuân về. Loại bánh này vốn là sự kết hợp của những nguyên liệu như gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ..., được gói trong lá dong vốn đều là vị thuốc dân gian rất gần gũi với đời thường.
Bởi vậy, bánh chưng không chỉ có giá trị dinh dưỡng mà còn có tác dụng chữa bệnh rất lớn dựa vào công dụng chữa bệnh của các nguyên liệu làm nên nó. Theo BS Phan Thanh Hải, Trưởng khoa Nội 3, BV Y học cổ truyền TP.HCM, theo Đông y: gạo nếp có vị ngọt, thơm, tính ấm, tác dụng bổ tỳ vị. Gạo nếp có thể dùng để chữa bệnh nôn mửa, tăng tiết sữa, chống tiêu chảy... Đậu xanh giàu dinh dưỡng, có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu khát, điều hòa ngũ tạng... Lá dong có vị ngọt, tính hơi hàn, tác dụng giải nhiệt độc, lương quyết, lợi tiểu. Ngoài ra, thịt lợn và các gia vị làm thơm như hạt tiêu, thảo quả cũng là những vị thuốc dân gian quen thuộc.
Bánh chưng nhiều dinh dưỡng nhưng không phải ai ăn cũng tốt. ẢNH: INTERNET
Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng ăn vô tư và thoải mái bánh chưng trong ngày tết. Bản thân bánh chưng được làm từ gạo nếp, 100 g gạo nếp có 344 kcal. Thông thường một chiếc bánh chưng được làm với 1,5-2 bát gạo nếp, chưa kể thịt mỡ, đậu xanh.
BS Hải đưa ra lời khuyên: “Vì loại bánh này rất giàu năng lượng, nhiều tinh bột. Đặc biệt, nếu đã mắc bệnh béo phì thì không nên ăn nhiều bánh chưng, nhất là bánh chưng rán thì nó cực giàu năng lượng, nhiều chất béo. Thêm vào đó ăn nhiều sẽ khiến bạn bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu.
Ngoài ra vì loại bánh làm phần đa từ gạo nếp, nên những người bị mụn nhọt ăn vào sẽ làm nặng hơn tình trạng này. Bánh chưng còn gây ra những bất lợi không tốt cho người bị cao huyết áp, tim mạch cũng bởi vì hàm lượng dinh dưỡng và năng lượng giàu đạm động thực vật và chất béo của nó”.
Do đó, để bánh chưng không còn là nỗi lo ngày Tết của bạn, hãy thử kết hợp với những thực phẩm chất xơ như dưa hành, dưa món, rau củ quả để chuyển hóa chất bột đường được nhanh chóng và gia tăng hương vị món ăn hơn.