TP.HCM cần làm gì để đẩy mạnh việc xây dựng và quảng bá những thương hiệu sản phẩm nổi bật và làm sao để những thương hiệu sản phẩm lớn của địa phương này vươn tầm quốc tế? Nên bắt đầu việc xây dựng thương hiệu từ đâu?...
Đây là những vấn đề được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN) thảo luận tại hội thảo “Phát triển thương hiệu sản phẩm, DN TP.HCM”, do UBND TP.HCM chủ trì vào ngày 20-12.
Phải chỉ ra bản sắc đặc trưng của TP.HCM là gì
Phát biểu tại hội thảo, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nhấn mạnh: TP.HCM có nhiều DN nhưng số lượng thương hiệu mạnh chưa nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như bản thân DN chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng, phát triển thương hiệu. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập, nhiều DN tận dụng sự hợp tác với tập đoàn quốc tế để phát triển nên chưa tập trung xây dựng thương hiệu riêng.
“Đáng chú ý, TP.HCM là nơi thu hút hàng trăm thương hiệu quốc tế lớn mạnh đến đầu tư, kinh doanh khiến một số DN… tự ti. Ngoài ra, sự gắn kết giữa hình ảnh thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương và DN tại TP.HCM chưa rõ nét” - ông Dũng phân tích.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận xét: TP.HCM rất có bản sắc nhưng đặc trưng của TP là gì thì lại chưa rõ. Ông dẫn chứng mới đây khi hỏi một số người bạn rằng lĩnh vực nào mà các anh chị nghĩ là đại diện cho TP.HCM, họ trả lời là “du lịch, tài chính”. Tuy nhiên, cụ thể sản phẩm nào thì không ai biết.
Từ thực tế trên, ông Võ Trí Thành cho rằng TP.HCM là điểm đến du lịch hấp dẫn, nơi tập trung hàng chục ngàn DN…, đóng góp lớn cho sự phát triển của cả nước. Nhưng hình ảnh TP.HCM mang tính cạnh tranh trên nhiều khía cạnh chưa được như mong muốn do chưa đau đáu về một tầm nhìn chiến lược thương hiệu. Ví dụ, sản phẩm, lĩnh vực nào được ưu tiên xây dựng thương hiệu; hình ảnh TP.HCM trong tương lai là gì.
“Do vậy, TP.HCM phải gắn với chương trình thương hiệu quốc gia và các chương trình quốc gia khác. TP.HCM cần thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu đã được chứng nhận. Cùng với đó, TP.HCM nên hình thành những lĩnh vực, nhóm sản phẩm chủ lực mang thương hiệu TP như du lịch, giải trí, ẩm thực; đổi mới, sáng tạo; trung tâm tài chính…” - ông Thành gợi ý.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TÚ UYÊN
“Yêu ai yêu cả đường đi lối về”
Theo ông Trương Tấn Sơn, Phó Tổng giám đốc Saigontourist, năm 2016, tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn 40 giá trị thương hiệu nhất Việt Nam và năm nay công bố Top 50 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam. Từ đây ông đề xuất chính quyền TP nên có một chương trình bình chọn “Top 45 thương hiệu hàng đầu TP.HCM”.
Ông Lương Hà đến từ Trường ESCP Europe (Paris) nhấn mạnh: Trên thế giới có nhiều đặc sản mà chỉ cần nhắc đến thì người ta lập tức liên tưởng ngay đến nơi sản xuất ra chúng (vùng, miền hoặc cả quốc gia). Đơn cử như rượu vang Bordeaux (Pháp), thịt bò Kobe (Nhật), sôcôla Thụy Sĩ, xì gà Cuba...
“Nhiều giả thiết cho rằng khi một sản phẩm nổi tiếng, nó sẽ có khả năng kéo theo sự quan tâm của công chúng đến nơi sản sinh ra nó và khiến người ta yêu mến tất cả những gì thuộc về nơi này, như cách nói dân gian “yêu ai yêu cả đường đi lối về”. Đây cũng chính là gợi ý cho việc dùng các sản phẩm có sẵn tiếng để xây dựng thương hiệu địa phương TP, quốc gia” - ông Lương Hà nói.
Do vậy, TP.HCM cần một chiến lược xây dựng thương hiệu tổng thể bài bản có thể nêu bật các giá trị và lợi thế của nó. Trước mắt, để đạt tính khả thi cho việc bầu chọn sản phẩm mang thương hiệu “TP.HCM”, TP có thể dựa theo các hình ảnh cốt lõi được xác định trong chiến lược xây dựng thương thiệu du lịch hiện có. Sau đó, theo hướng tiếp cận top-down lựa chọn ngành hàng phù hợp và bình chọn các thương hiệu sản phẩm trong từng ngành hàng với sự khách quan và công tâm cao nhất.
“Việc bầu chọn này phải mang tính công khai để thành lập nên danh sách “Sản phẩm bản sắc Sài Gòn - TP.HCM”, tối đa nên là 20 sản phẩm, phục vụ cho việc giới thiệu với du khách khi đến với TP và các nhà đầu tư trong các dịp sự kiện. Các sản phẩm, dịch vụ, DN được bầu chọn sau đó sẽ cùng nhau gắn logo chính thức của chiến lược truyền thông thương hiệu. Ví dụ “Dynamic Saigon” và sẽ được chính thức xuất hiện trong các sự kiện xúc tiến, quảng bá chung của TP” - ông Lương Hà phát biểu.
Ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thời trang Thái Tuấn, cho rằng việc xây dựng thương hiệu của TP cũng giống như việc xây dựng thương hiệu của một quốc gia. Để làm được điều này, trước tiên cần vận dụng kinh nghiệm xây dựng thương hiệu của các nước đã phát triển và của DN bạn trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và những quốc gia đã phát triển trước Việt Nam.
Theo ông Chí, yếu tố quan trọng của một thương hiệu địa phương hay quốc gia mạnh phải được liên tưởng đến những chủng loại sản phẩm tiêu dùng mang lại danh tiếng cho nơi đó. Ví dụ, nói đến Pháp và Ý, mọi người nghĩ đến thời trang, Đức thì ô tô, còn Nhật Bản là công nghệ… Tuy nhiên, TP lại chưa tạo ra được những sản phẩm đặc trưng đặc thù để tạo được ấn tượng mạnh với khách du lịch và bạn bè quốc tế. Do vậy, cần có chính sách cho những DN TP tạo ra những sản phẩm đặc trưng riêng để khi nói đến, mọi người đều nghĩ đến sản phẩm này và mua về làm quà tặng.
Phát biểu tiếp thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, DN. Ông thừa nhận từ trước đến nay, có thể nói DN tự mình bươn chải để xây dựng giá trị thương hiệu. Nay TP muốn giúp sức bằng những công việc cụ thể. Chẳng hạn, chính quyền TP sẽ kết nối DN với những đơn vị tư vấn xây dựng thương hiệu; triển khai ngay việc bình chọn, tôn vinh những sản phẩm, thương hiệu bền vững của TP.HCM.
Xây dựng khu công nghiệp mới 380 ha cho nhà đầu tư Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận: Qua bình chọn của tạp chí Forbes Việt Nam hằng năm, trong 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, thương hiệu DN tại TP.HCM còn chiếm tỉ lệ khiêm tốn. “TP.HCM mong muốn xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm DN nổi bật của mình, từ đó xây dựng các chính sách hỗ trợ để những thương hiệu sản phẩm này vươn tầm quốc tế. Qua đó không chỉ khẳng định vị trí ở thị trường trong nước mà còn quảng bá hình ảnh đặc trưng của TP.HCM tại thị trường quốc tế” - ông Phong nhấn mạnh. Nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho DN, TP sẽ triển khai xây dựng khu công nghiệp mới có quy mô 380 ha cho nhà đầu tư. TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi theo chuẩn mực quốc tế và đề cao sự công khai, minh bạch. |