“Đề nghị các địa phương chỉ đạo mạnh, quyết liệt kiểm tra giá vận tải tại địa phương; xử nghiêm nếu đến thời điểm này doanh nghiệp chưa giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm. Các địa phương chủ động tổng hợp thông tin cho báo chí về tình hình kê khai giá cước vận tải khi có biến động giá nhiên liệu”. Ngày 8-1, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết.
Giảm chưa đều
Theo bà Phan Thị Thu Hiền: “Hiện đã có nhiều doanh nghiệp vận tải trong nước giảm giá cước với mức giảm từ 1% đến 35,6% với mỗi loại hình vận tải. Việc giảm giá cước vận tải đã và đang diễn ra, tuy nhiên việc giảm đồng đều...”.
“Thời gian qua, giá nhiên liệu biến động liên tục theo xu hướng giảm rõ rệt và có tác động tích cực đến thị trường. Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu giá cước vận tải phải được điều chỉnh phù hợp, góp phần giảm giá thành các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khác. Liên bộ GTVT, Tài chính đã thành lập ba đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra. Chúng tôi thấy các địa phương quyết liệt chỉ đạo về quản lý giá cước vận tải và điều chỉnh giảm giá cước. Thời gian tới, nhất là dịp tết, các địa phương cần tăng cường lực lượng kiểm tra và xử lý vi phạm” - bà Thu Hiền nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà Hiền cũng cho biết liên bộ Tài chính, GTVT đang khẩn trương rà soát các quy định trong Thông tư 152/2014 về hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Trong đó, các cơ quan sẽ xem xét để bổ sung các quy định về yêu cầu thời điểm phải kê khai lại giá cước khi có biến động về giá nhiên liệu, đơn giản hóa thủ tục kê khai giá cước, làm rõ các chi phí cần kê khai để thuận tiện cho doanh nghiệp thực hiện và tạo điều kiện cho quá trình thanh tra, kiểm tra…
Doanh nghiệp taxi Mai Linh giảm 300 đồng/km. Ảnh: HTD
Sẽ phạt bảy doanh nghiệp taxi
“Đến cuối ngày 8-1, hạn chót kê khai giá cước vận tải nhưng chỉ mới có 8/15 doanh nghiệp taxi gửi kê khai. Bảy hãng taxi còn lại sẽ bị phạt vào đầu tuần tới, khi Thanh tra Sở Tài chính đi kiểm tra doanh nghiệp, trong đó có một hãng chiếm thị phần lớn” - nguồn tin từ Sở Tài chính cho biết.
Trong tám doanh nghiệp taxi thì hầu hết đều khai giảm giá với mức giảm từ 2% đến 6%, trong đó có Mai Linh giảm 300 đồng/km, mức giảm phổ biến là 500 đồng/km như Happy Taxi (của Công ty TNHH Trầm Thanh).
Có 27 doanh nghiệp vận tải tuyến cố định đã kê khai giá cước với Sở Tài chính nhưng chủ yếu là không giảm giá cước vì đợt giảm giá xăng dầu ngày 18-12-2015 thì các doanh nghiệp đã giảm giá cước. Một số doanh nghiệp chưa giảm đợt trước thì đợt này giảm giá 3%-8% giá cước.
Đặc biệt, hãng xe Thành Bưởi 2 đợt liên tiếp đều không kê khai giá với Sở Tài chính, trong khi gần như toàn bộ các doanh nghiệp đều kê khai đúng hạn. Một số ít doanh nghiệp cũng kê khai (chậm so với hạn) sau khi Sở có công văn yêu cầu doanh nghiệp giải trình.
Trước đó, sau khi xăng dầu giảm giá, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các hãng vận tải giảm giá cước và Sở Tài chính TP.HCM cũng ra hạn cuối cùng: Ngày 8-1, các đơn vị phải kê khai lại giá.
Không giảm là không hợp lý Đại diện Vinasun cho biết hãng đã kê khai với Sở Tài chính TP.HCM là không giảm giá. Lần giảm giá gần đây nhất là tháng 9-2015, Vinasun giảm 500 đồng/km (khi giá xăng tháng 9-2015 giảm mạnh gần 1.200 đồng/lít xuống còn khoảng 17.330 đồng/lít). Sau đó giá xăng có tăng trong khoảng hai tháng nhưng Vinasun đã không tăng giá cước. Do vậy, dù đến tháng 11-2015 xăng giảm giá nhưng Vinasun không thể giảm giá được. Một chuyên gia về quản lý giá cho biết đến mốc mới ngày 4-1, giá xăng chỉ còn khoảng 16.000 đồng/lít, so với giá 17.330 đồng/lít đầu tháng 9-2015 là đã giảm khoảng 1.300 đồng/lít. Nếu giá cước vẫn như giá cước tháng 9-2015 là không hợp lý. Với mức giảm này, giá cước có thể giảm tương ứng 400-500 đồng/km (giá xăng chiếm khoảng 35% trong cơ cấu giá cước). Tăng, giảm là đương nhiên Thời gian qua, giá xăng dầu liên tục lượn sóng, một số doanh nghiệp cũng đã điều chỉnh theo quá trình tăng, giảm giá nhiên liệu. Việc tăng, giảm theo giá nhiên liệu là đương nhiên. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng giá cước vận tải cũng phải do quy luật thị trường. Trong đó, nếu cái cần giảm mà doanh nghiệp không giảm thì đương nhiên khách hàng sẽ không tìm đến doanh nghiệp đó, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này sẽ “chết”. Ông BÙI DANH LIÊN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội |