Hiệp hội nước mắm Phú Quốc vừa tổ chức hội nghị đóng góp cho bản dự thảo TCVN 12607: 2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.
Tại hội nghị này, đại diện Masan Phú Quốc ủng hộ việc lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp và cơ sở để tiêu chuẩn đi càng sát với thực tế càng tốt. Quan trọng nhất là cần có sự đồng thuận cao của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đại diện Masan lên tiếng ủng hộ dự thảo quy định về tiêu chuẩn nước mắm nói trên và cho rằng dự thảo đã tuân thủ được tiêu chuẩn quốc tế và rất khả thi.
“Đối với Masan, chúng tôi thấy tiêu chuẩn này là cơ hội để chúng ta vươn tầm sản phẩm mình hơn. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong ngành chúng tôi tin tiêu chuẩn này là khả thi”, đại diện Masan Phú Quốc nói.
Ngược lại, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng dự thảo TCVN 12607: 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm rất “Khó hiểu, không sát thực tế”.
Bà Nguyễn Kim Chi, đại diện cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc nói: “Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và được một số chuyên gia giải thích nhưng vẫn không hiểu được nội dung, mục đích của bản dự thảo này ra đời làm gì. Có quá nhiều từ ngữ khó hiểu, nhiều quy định dư thừa”.
Bà Nguyễn Kim Chi đặt vấn đề: Vì sao phải bắt cái truyền thống của dân tộc theo cái chuẩn của quốc tế? Nếu dự thảo bản thực hành này được thông qua, những cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống như chúng tôi sẽ chết hết.
“Phải có tiêu chuẩn riêng, tách bạch cho nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp hay nước mắm gì đó chứ không nên lẫn lộn như vậy được”, bà Chi đề nghị.
Còn ông Nguyễn Văn Giá, đại diện cơ sở sản xuất nước mắm Phú Hưng đặt vấn đề: Khi soạn thảo văn bản, ban soạn thảo có ý kiến các doanh nghiệp sản xuất nước mắm ở Phú Quốc hay không?
Ngoài ra ông Giá cho rằng sự thảo có nội dung và từ ngữ không phù hợp, nhạy cảm có thể hướng người dân có ý nghĩ không tốt nước mắm truyền thống.
“Tôi đề nghị, tách bạch riêng bộ quy chuẩn sản xuất nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, không thể lấy một quy chuẩn áp cho hai quy trình sản xuất nước mắm khác nhau”, ông Giàu có ý kiến.
Trong khi đó, chuyên gia Vũ Thế Thành cho rằng cần có một đề tài nghiên cứu khoa học về histamine, xem có nguy hại gì hay không vì đến nay cũng chưa có trường hợp nào bị ngộ độc từ chất này. Trên cơ sở đó đưa ra chuẩn giới hạn cho chỉ số này và ban hành hai bộ quy chuẩn về kỹ thuật sản xuất nước mắm riêng biệt cho nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.
Bà Hồ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc cho biết Hiệp hội sẽ có văn bản gửi Quốc hội, Thủ tướng và các bộ ngành liên quan xem xét và quyết định cho xây dựng hai bộ quy chuẩn kỹ thuật riêng cho nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.
Bên cạnh đó kiến nghị cho thực hiện đề tài khoa học cấp quốc gia đánh giá rủi ro histamine, kim loại nặng trong nước mắm, không tạo ra hàng rào kỹ thuật cho nước mắm Việt Nam trên trường quốc tế.
Đồng thời, kiến nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các Bộ, ngành cho sớm thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam để tạo điều kiện, hỗ trợ cho ngành nghề nước mắm Việt Nam được bảo tồn phát triển ổn định.
Tại buổi giao ban báo chí diễn ra sáng 12-3, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết lãnh đạo Bộ đã đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tạm dừng thẩm định dự thảo tiêu chuẩn TCVN 12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT soạn thảo. Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết có ba nguyên tắc trong việc xây dựng bộ quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Một là phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội của nước ta tại thời điểm này. Hai là phải đảm bảo nguyên tắc đồng thuận của các thành phần liên quan trong xã hội. Đây là nguyên tắc không phải ngoại lệ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Ba là phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Với dự thảo TCVN 12607:2019, khi dự thảo chuyển sang Bộ KH&CN thẩm định, công bố thì nhận được nhiều ý kiến trái chiều của nhiều tổ chức, cá nhân và giới báo chí. “Đối chiếu các nguyên tắc trên thì thấy chưa đảm bảo nên Bộ tạm dừng thẩm định để tiếp tục xin ý kiến các tổ chức, hiệp hội. Mục đích để khi ban hành bộ tiêu chuẩn phải đảm bảo sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và không ảnh hưởng đến sản xuất của các đơn vị sản xuất nước mắm” - Thứ trưởng Tạc thông tin. Trước đó, chiều 11-3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu kỹ các ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về tiêu chuẩn cho nước mắm, tổ chức đối thoại để tạo thống nhất. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu mục tiêu phải bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống. |